Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng (Bài 2): Luật mới, quy định mới theo hướng thuận lợi cho người hiến đất
Phải khẳng định rằng phong trào hiến đất đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển. Và, Luật Đất đai 2024 cũng đã có những quy định mới theo hướng thuận lợi cho người dân hiến đất. Những thay đổi này nhằm mục tiêu giúp cho việc phát triển các dự án công cộng trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong quá trình hiến đất.
Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí làm cho dân...
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Phượng, Công ty TNHH Lê Phượng Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa. Luật sư Lê Thị Phượng cho biết: Trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc “hiến đất” mà chỉ có quy định về trình tự, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) để xây dựng công trình công cộng.
Điểm e khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất, trong đó có quy định về tặng cho QSDĐ cho Nhà nước; tặng cho QSDĐ cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch. Mặt khác, tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, thì tổ chức đó còn có quyền tặng cho QSDĐ cho Nhà nước; tặng cho QSDĐ cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Ngoài ra, theo điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về đất sử dụng vào mục đích công cộng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, thì hộ gia đình, cá nhân có thể tặng cho đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công cộng, bao gồm cả đất công trình giao thông.
Luật sư Lê Thị Phượng nhấn mạnh: Quá trình thực hiện việc tặng cho QSDĐ cũng đã được đề cập một cách rõ ràng trong Luật Đất đai mới. Khi người sử dụng đất tặng cho QSDĐ để phục vụ các công trình cộng đồng, lúc này phần đất mà người dân đã tặng cho sẽ bị cắt khỏi giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ của họ. Phần đất này sẽ được đưa vào phần đất sử dụng chung của cộng đồng do Nhà nước đại diện quản lý. Đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn đã tháo gỡ được những vướng mắc về mặt chính sách chung, nhất là trình tự, thủ tục và kinh phí thực hiện đăng ký biến động cho các hộ gia đình, cá nhân tặng cho QSDĐ để sử dụng vào mục đích công cộng.
Khoản 3 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định: “...Trường hợp người sử dụng đất tặng cho QSDĐ cho Nhà nước hoặc tặng cho QSDĐ cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch hoặc tặng cho QSDĐ để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật thì Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này; người sử dụng đất không phải trả chi phí đối với trường hợp này”.
“Các quy định mới nêu trên đã phần nào đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân, giúp người dân yên tâm khi tham gia hiến đất, đóng góp tài sản thực hiện các công trình giao thông, công trình vì lợi ích cộng đồng. Quy định này sẽ giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất”, luật sư Phượng chia sẻ thêm.
Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Đình Thịnh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa cho biết: Theo quy định của pháp luật đất đai, việc hiến đất phải thông qua thủ tục tặng cho QSDĐ. Trình tự, thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp tặng cho QSDĐ cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư hoặc mở rộng đường giao thông được quy định tại Điều 40 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai. Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Theo đó, đối với thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ, UBND cấp xã có trách nhiệm chuyển văn bản về việc tặng cho QSDĐ của người sử dụng đất kèm theo GCNQSDĐ đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện để thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính, xác nhận thay đổi vào GCNQSDĐ đã cấp hoặc cấp mới GCNQSDĐ theo yêu cầu của người dân. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ thì thu hồi GCNQSDĐ để quản lý.
Đối với thửa đất chưa được cấp GCNQSDĐ, UBND cấp xã chuyển văn bản về việc tặng cho QSDĐ đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện (Phòng TN&MT) tổ chức thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất. Phần diện tích còn lại của thửa đất (nếu có), người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai theo quy định tại các Điều 28, 31, 32 của Nghị định số 101/2024/NĐ-CP; trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cấp GCNQSDĐ thì thực hiệc thủ tục cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP.
Về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện hồ sơ đăng ký, cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp tặng cho QSDĐ cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư hoặc mở rộng đường giao thông đã được Bộ TN&MT ban hành tại Quyết định số 2124/QĐ-BTNMT ngày 1/8/2024 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
...vẫn còn tồn tại, khó khăn từ cơ sở
Quy định đã có, hướng dẫn đã được ban hành, song thực tế việc triển khai, áp dụng thực hiện ở cơ sở vẫn còn những điểm vướng mắc, bất cập nhất định.
Tại xã Tân Châu (Thiệu Hóa), trong quá trình phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí của xã NTM nâng cao vào cuối năm nay, nhiều hộ dân đã tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông và các công trình cộng đồng. Theo thống kê tính đến tháng 10/2024, toàn xã đã có hơn 300 hộ dân hiến đất với tổng diện tích hơn 3.700m2 đất ở, đất nông nghiệp.
Ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, chia sẻ: "Sau hiến đất, nhiều người dân đã trực tiếp đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí trích đo lại thửa đất để cấp lại GCNQSDĐ. Tuy nhiên, đây còn là vấn đề vướng mắc đang được huyện triển khai tháo gỡ, bởi địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện. Đối với cấp xã, chúng tôi tạo điều kiện cho các hộ dân bằng cách động viên, giúp đỡ về mặt thủ tục hồ sơ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất để hoàn thiện cho các hộ đề nghị cấp lại GCNQSDĐ khi có nhu cầu".
Tại xã Đông Văn (Đông Sơn), thời điểm người dân hiến đất để thực hiện các công trình là từ giai đoạn 2019-2020 khi triển khai thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Khoảng thời gian đó, Nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 8.000m2 đất và các công trình phụ trợ để thực hiện nâng cấp hệ thống đường giao thông. Đại diện lãnh đạo UBND xã Đông Văn, cho biết: Khi các hộ dân hiến đất có nhu cầu cấp lại GCNQSDĐ, cán bộ xã đã tập trung hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục về đăng ký biến động sau hiến đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ đối với các trường hợp hiến đất, khó khăn mà cấp xã gặp phải là việc xác định nguồn gốc đất do diện tích sử dụng tăng, thay đổi hiện trạng, hình thể thửa đất so với các hồ sơ đất đai lưu trữ... nên có trường hợp phải xác minh nhiều lần.
Tại xã miền núi Cao Ngọc (Ngọc Lặc) có rất nhiều hộ dân đã hiến đất để làm đường giao thông. Ông Lê Đình Luyện, công chức địa chính - xây dựng xã Cao Ngọc chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhiều hộ dân đã hiến đất, song có trường hợp đất đã được cấp GCNQSDĐ, có trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu. Nhiều hộ hiến đất chưa có nhu cầu làm lại GCNQSDĐ, bởi đặc thù trên địa bàn xã có tới gần 90% GCNQSDĐ của các hộ dân đang được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất. Chỉ khi nào có nhu cầu chuyển nhượng mua bán, các hộ mới rút GCNQSDĐ về.
"Hơn nữa, kinh phí thực hiện giao cho ngân sách địa phương, song ở thời điểm cuối năm, nguồn kinh phí không nằm trong dự toán ngân sách, do đó các xã vẫn chưa triển khai được nội dung này. Việc làm lại GCNQSDĐ để được miễn các khoản kinh phí hoàn thiện hồ sơ trích đo, chỉnh lý mới chỉ có văn bản hướng dẫn chung, chưa hướng dẫn cụ thể để dự nguồn, quyết toán kinh phí thực hiện nên khó khăn cho cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần phải quy định chi tiết hơn về loại đất, diện tích hiến đất từ bao nhiêu m2 trở lên, giá trị đất hiến ra sao thì được miễn giảm chi phí đo đạc, cấp lại GCNQSDĐ, tránh những trường hợp chỉ hiến từ 1m2 - 2m2 đất nông nghiệp giá trị nhỏ, song ngân sách địa phương phải hỗ trợ vài triệu đồng cấp lại GCNQSDĐ, như thế thì dễ nảy sinh bất cập trong quá trình triển khai thực hiện" - Ông Lê Đình Luyện, công chức địa chính - xây dựng xã Cao Ngọc, cho biết thêm.