Hiến kế cho phát triển kinh tế tập thể giai đoạn tới

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Tỉnh ủy tổ chức sáng 22/10 đã có nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bàn Thanh Thảo khẳng định: Để phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết số 13, theo tôi, cần quan tâm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp và khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng mô hình HTX. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX, có chính sách và xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết và phải huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội và nguồn lực trong nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bàn Thanh Thảo phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bàn Thanh Thảo phát biểu tại hội nghị.

UBND cấp xã, cấp huyện phải rà soát, khảo sát, lựa chọn việc xây dựng tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu của nhân dân tại địa phương để có định hướng xây dựng HTX phù hợp và chất lượng, tránh thành tích chỉ tiêu về số lượng mà không hiệu quả. Ngoài ra, cần quan tâm mô hình phát triển tổ hợp tác, liên kết sản xuất để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, chuyển dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; phải hỗ trợ được đầu ra cho các sản phẩm của HTX và nhân dân. Tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động kinh tế tập thể, HTX để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả; thực hiện công tác đánh giá, khen thưởng nhằm khích lệ các HTX phát triển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đỗ Văn Duy: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp; nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; diễn biến thời tiết phức tạp, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra đã ảnh hướng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng đồng thuận của nhân dân trong toàn tỉnh, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Hình thức kinh tế tập thể nông nghiệp mà nòng cốt là các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng; nhiều ngành nghề hình thành, phát triển ở các vùng, địa bàn khác nhau; đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi hiện trạng bộ mặt khu vực nông thôn. Điển hình như: HTX Tiên Phong, HTX Hoa Lợi, HTX Duy Phong, HTX Tiến Đạt, HTX Hảo Anh, HTX Thức Mai...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đỗ Văn Duy phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đỗ Văn Duy phát biểu tại hội nghị.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển trên địa bàn quản lý. Tiếp tục rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập trong Luật HTX, các văn bản dưới luật và các luật liên quan khác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể, HTX;…

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng: Trước khi Nghị quyết 13 được ban hành, các hợp tác xã trên địa bàn huyện hầu như chưa có gì, những hợp tác xã thành lập trước đó đều đã giải thể. Nghị quyết 13 được ban hành đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, chỉ sau một thời gian ngắn từ chỗ gần như xuất phát điểm từ con số không, kinh tế tập thể (KTTT) đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định vị thế quan trọng của kinh tế tập thể. Đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện đã có 27 hợp tác xã và rất nhiều các tổ hợp tác hoạt động đa dạng các các ngành nghề từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến thương mại, dịch vụ… Doanh thu trung bình của 1 HTX đạt 7,5 tỷ đồng, lãi bình quân 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt từ 4,5-7 triệu đồng/tháng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng phát biểu.

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng phát biểu.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của kinh tế tập thể trong thời gian tới, huyện Bảo Thắng kiến nghị, đề xuất một số vấn đề sau: Thứ nhất, cần quan tâm đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, nhất là Luật HTX năm 2012 để cán bộ, người dân nhận thức đúng vai trò và lợi ích của việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới, từ đó thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Hai là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị cho ban quản lý các hợp tác xã (đa phần chủ yếu là nông dân, chưa có kiến thức về quản trị nhân lực, quản lý kinh tế) để tự thân các HTX phải từ bỏ tư duy làm HTX kiểu cũ, khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế. Cuối cùng, đề nghị tỉnh có các chính sách ưu đãi về hỗ trợ vay vốn đối với các hợp tác xã, do các hợp tác xã đa số có quy mô nhỏ, tài sản góp vốn chủ yếu là tư liệu sản xuất, do vậy rất khó khăn về nguồn vốn lưu động.

Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ (thị xã Sa Pa) Tẩn Tả Mẩy: HTX cộng đồng Dao đỏ chúng tôi dược thành lập năm 2015 với 7 thành viên sáng lập, trong đó có 6 thành viên là nữ với tổng số vốn đăng ký ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Trong 3 năm đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh HTX chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Các thành viên sáng lập và thành viên liên kết đều là dân tộc thiểu số, nông dân vùng cao, trình độ văn hóa thấp, thậm chí còn mù chữ, lãnh đạo về chuyên môn quản lý chưa có, không tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng như dự án hỗ trợ trong và ngoài nước. Đến năm 2019, HTX chúng tôi đã có chuyên gia tình nguyện viên giúp đỡ và đã tiếp cận được các dự án, hỗ trợ HTX chúng tôi thay đổi nâng cấp hệ thống sản xuất lò đun và mở rộng vùng nguyên liệu sang xã Ngũ Chỉ Sơn, đào tạo nhân lực…

Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ Tẩn Tả Mẩy.

Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ Tẩn Tả Mẩy.

Sau những kết quả đạt được như trên, HTX chúng tôi đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh và địa phương hỗ trợ về tổ chức đào tạo nhân lực, tập huấn kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi… Những năm tới, HTX chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở sản xuất tại xã Ngũ Chỉ Sơn với mục đích bao tiêu nguyên liệu tại địa phương, giảm thiểu việc vận chuyển nguyên liệu về cơ sở 1 tại xã Tả Phìn địa lý xa cách gần 40 km… HTX chúng tôi luôn hướng tới phát triển nhiều sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên và vùng nguyên liệu trồng từ việc liên kết đang có. Hiện tại HTX chúng tôi đang thỏa thuận hợp tác với đối tác Nhật Bản để hợp tác sản xuất hương nhang thảo dược từ bột cây ngải cứu để xuất khẩu, sản phẩm hiện tại trên thị trường Việt Nam chưa có. Từ việc sản xuất sản phẩm hương nhang ngải cứu, nguồn nguyên liệu chúng tôi cần rất lớn, vì vậy HTX chúng tôi hy vọng được hỗ trợ trong công tác liên kết mở rộng vùng nguyên liệu đến các xã lân cận thuộc thị xã Sa Pa, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm, thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất sản phẩm HTX liên doanh xuất khẩu...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348636-hien-ke-cho-phat-trien-kinh-te-tap-the-giai-doan-toi