Hiến kế để người dân và metro xích lại gần nhau
Xây xong metro mới làm hạ tầng kết nối là quá trễ, vì vậy phải làm quyết liệt.
PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông,ĐH Bách khoa TP.HCM:
Hạ tầng kết nối là sự thành bại của metro
Metro là loại hình giao thông mới mẻ, dễ hấp dẫn người dân. Tuy nhiên, khó ở chỗ dù họ muốn đi nhưng giao thông đi đến metro không thuận tiện thì “khó quá họ sẽ bỏ qua”. Metro số 1 gần như đã hoàn thành mà bây giờ cơ quan chức năng mới làm giao thông kết nối là quá trễ, chính vì quá trễ nên chúng ta phải làm thật quyết liệt.
Hệ thống giao thông kết nối sẽ quyết định sự thành bại của metro nói chung và metro số 1, số 2 nói riêng.
Để tăng cường tiếp cận của người dân với metro số 1, số 2, theo tôi thì TP cần gấp rút xây dựng các dự án GTCC kết nối, bao gồm hệ thống xe buýt có sức chứa nhỏ hoặc trung bình (12-30 chỗ). Hệ thống xe buýt này sẽ đưa khách đến và đi các trạm dừng metro trong bán kính 1,5-2 km.
Mặt khác, các nhà ga metro cũng phải được thiết kế như những trạm trung chuyển nhỏ cho hành khách đến và đi các nhà ga này. Ngoài ra, hệ thống vé xe buýt trung chuyển này cũng phải liên thông với vé metro để tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho hành khách.
Các công trình giao thông tại các khu vực lân cận dọc tuyến metro cũng nên đồng bộ tương xứng với các nhà ga, trạm trung chuyển metro. Từ đó, người dân không những đi lại, ra vào, lên xuống nhà ga được dễ dàng mà còn sử dụng các tiện ích khác như các điểm ăn uống, mua sắm, giải trí... Đây là những điều mà metro các nước đã làm thành công.
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Coi metro là cụm dự án
Theo tôi, hãy coi metro là cụm dự án, là tổng hợp của nhiều dự án như hệ thống giao thông kết nối, bãi giữ xe, đường đi bộ, nhà ga… Khi metro muốn vận hành, cụm dự án này cũng hoàn thành mới hoạt động hiệu quả được.
Có thể thấy nếu xây xong metro thì cũng chỉ mới giải quyết được 1/5 vấn đề. Các đơn vị chức năng cần xây dựng mạng lưới bãi xe xung quanh các trạm metro và mạng lưới xe buýt bao quanh từ các trạm metro lan tỏa đi khắp nơi trong TP. Bên cạnh đó, việc xây dựng các bãi xe miễn phí xung quanh metro và các tuyến xe buýt đóng vai trò hàng đầu trong việc thu hút hành khách đi metro.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi chưa đồng bộ xe buýt và bãi xe tôi thấy người ta chỉ tò mò đi metro trong 1-2 tháng đầu, rồi lượng khách giảm dần do không có kết nối thuận tiện với metro.
Đường đi bộ và cầu nối cũng nên được tính toán và sớm được xây dựng. Ví dụ như các trạm metro xây dọc tuyến xa lộ Hà Nội, trạm ở bên này còn người dân ở bên kia thì người dân đi qua bằng cách nào. Cơ quan chức năng nói sẽ xây cầu bộ hành nhưng giờ mới làm thì bao giờ mới xong. Cho nên phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ những dự án kết nối này.
Cuối cùng là hệ thống các công trình giao thông và các trạm metro phải được đồng bộ từ sớm, đồng thời tổ chức giao thông khu vực này cần sự rõ ràng: xe ra đường nào, xe vào đường nào.
TS NGUYỄN QUỐC HIỂN, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (thuộc MAUR):
Hiện nay, khi đầu tư xây dựng các tuyến metro, cơ quan quản lý chỉ được giao diện tích đất nằm trong ranh mốc để thiết kế phần hạ tầng kỹ thuật của dự án. Trong khi đó, muốn khai thác hiệu quả các hệ thống đường sắt đô thị thì cần phải đảm bảo quỹ đất xung quanh để xây dựng các đường tiếp cận cho xe cá nhân, xe buýt và người đi bộ một cách an toàn, thuận lợi. Bên cạnh nhà ga cần có thêm các diện tích đất để bố trí các quảng trường ga, khu vực gửi xe cá nhân, khu vực kinh doanh dịch vụ...
Trong phạm vi xa hơn, diện tích khu vực nhà ga thông thường sẽ được quy hoạch lại theo định hướng phát triển GTCC (TOD - Transit Oriented Development). Nếu thực hiện được điều này, TOD sẽ mang lại lợi ích cho cả bốn bên gồm: cho TP trong việc quy hoạch, chỉnh trang mỹ quan đô thị; cho người dân sinh sống và làm việc trong bán kính có thể đi bộ một cách thuận tiện đến nhà ga metro; cho đơn vị vận hành hệ thống đường sắt và GTCC khi có thêm nhiều người sử dụng và cho các doanh nghiệp vì thường có lợi nhuận cao nếu đầu tư vào bất động sản gần nhà ga.
Để triển khai TOD hiệu quả thì hành lang pháp lý và mô hình cơ cấu tổ chức như hiện nay có nhiều rào cản lớn. Do đó, tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để làm được việc này trong điều kiện hiện nay là TP cần lập một tổ công tác liên ngành, phối hợp, kết hợp giữa sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện để cùng thực hiện.
Metro ở Singapore và Nhật Bản có gì độc đáo?
Tôi đã trải nghiệm nhiều lần các tuyến metro tại Singapore và Nhật Bản. Tôi nhận thấy tuy cơ sở hạ tầng xây dựng đã lâu nhưng vẫn rất hiện đại, an toàn và chất lượng dịch vụ rất tốt. Khi di chuyển trên các tuyến này rất yên tĩnh, giúp hành khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách.
Hạ tầng metro của các nước này đều thực hiện tốt giải pháp kết nối như metro với các phương tiện GTCC khác và metro với người sử dụng. Các địa điểm mà tôi muốn đến đều có thể đi bằng metro. Người dân hiếm dùng xe máy, hầu hết họ dùng metro.
Ngoài ra, họ phát triển app hướng dẫn sử dụng metro, kết hợp với app bản đồ, trải nghiệm du lịch trên toàn quốc.
Ông NGUYỄN VŨ THẮNG, phường Đông Thuận Tây,
quận 7, TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/hien-ke-de-nguoi-dan-va-metro-xich-lai-gan-nhau-975385.html