Hiến kế giám sát hiệu quả hoạt động thăm dò khoáng sản

Các chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra hai giải pháp nhằm giúp hoạt động giám sát thi công các Đề án thăm dò khoáng sản vừa bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước vừa không làm tăng gánh nặng về thời gian, chi phí cũng như không làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định công tác giám sát thi công các Đề án thăm dò khoáng sản. Thông tư này được các chuyên gia pháp luật đánh giá là hết sức cần thiết, bởi xuất phát từ nhu cầu bức thiết của vệc giám sát thi công các đề án thăm dò khoáng sản.

Trước đây, khi chưa có chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, một số doanh nghiệp có xu hướng khai báo kết quả thăm dò cao hơn so với thực tế nhằm được cấp phép khai thác với trữ lượng lớn hơn. Đến khi khai thác, nếu sản lượng không đạt so với trữ lượng thăm dò thì cũng không sao bởi thuế tài nguyên chỉ đánh trên sản lượng khai thác thực tế. Đến khi chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực, lại xuất hiện một số doanh nghiệp cố gắng khai báo kết quả thăm dò thấp hơn nhằm giảm số tiền cấp quyền phải nộp.

Trong khi đó, việc kiểm soát kết quả thăm dò khoáng sản chủ yếu dựa vào hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng này chủ yếu dựa trên hồ sơ kết quả thăm dò được doanh nghiệp báo cáo, chứ ít khi có giám sát trực tiếp trong giai đoạn thăm dò.

Rõ ràng, có thể thấy, việc giám sát thi công các đề án thăm dò khoáng sản là cần thiết, nhằm bảo vệ tài sản nhà nước. Do đó, việc thiết kế cơ chế nhằm giám sát hoạt động và kết quả thăm dò khoáng sản chính là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cơ chế cụ thể của hoạt động này cần được nghiên cứu và thiết kế sao cho vẫn bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước nhưng cũng không làm tăng gánh nặng về thời gian, chi phí cũng như không làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm của một số ngành khác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra hai cách tiếp cận để thực hiện việc này.

Theo phương án xác định đây là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, thì toàn bộ hoạt động giám sát này do cơ quan nhà nước thực hiện hoặc thuê hoặc đặt hàng đơn vị khác thực hiện và chịu trách nhiệm, đơn vị này chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và độc lập với doanh nghiệp có quyền thăm dò khoáng sản.

Phương án này có ưu điểm là dễ quản lý đối với cơ quan nhà nước, mức độ tin cậy của kết quả thăm dò phụ thuộc vào trình độ, đạo đức và kỷ luật của cán bộ thực thi, hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước thuê/đặt hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của cơ chế này là tạo vị thế độc quyền, dễ dẫn đến nguy cơ nhũng nhiễu hoặc tiêu cực.

Phương án 2 là xã hội hóa hoạt động giám sát thông qua các đơn vị được Nhà nước cấp phép, tương tự như dịch vụ kiểm toán độc lập. Doanh nghiệp thăm dò có quyền ký hợp đồng giám sát đối với bất kỳ đơn vị nào được cấp phép. Đơn vị được cấp phép này phải giám sát dựa trên chuẩn mực về thăm dò và chuẩn mực về giám sát, đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả giám sát của mình và nếu có sai phạm thì bị xử lý, trong đó có cả chế tài rút giấy phép.

Phương án này có ưu điểm là tạo thế cạnh tranh giữa các đơn vị có chức năng giám sát, làm giảm nguy cơ nhũng nhiễu và tăng chất lượng dịch vụ, tuy nhiên, việc quản lý phức tạp hơn và thường chỉ phù hợp khi quy mô thị trường đủ lớn mới có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia.

H.Thủy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/hien-ke-giam-sat-hieu-qua-hoat-dong-tham-do-khoang-san-314893.html