Hiến kế nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính sách cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 đạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố; khen thưởng kịp thời đối với học sinh đạt giải...

Nhiều năm liền, thành phố Hà Nội luôn dẫn đầu trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông. Làm thế nào để giữ vững vị thế này và nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng giải thưởng là “đề bài” được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra tại hội nghị gặp mặt giáo viên giỏi vào chiều 3-11.

Quang cảnh cuộc gặp mặt.

Quang cảnh cuộc gặp mặt.

Dịp này, các nhà giáo đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển giáo dục mũi nhọn Thủ đô. Qua đây, các nhà giáo cũng có thêm động lực, cảm hứng, đồng thời học hỏi, chia sẻ lẫn nhau những kinh nghiệm, sáng kiến hay trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tăng 11 bậc về tỷ lệ tốt nghiệp

Thành phố Hà Nội hiện có 237 trường trung học phổ thông, 2 trường chuyên và 2 trường có lớp chuyên. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hai năm trở lại đây, chất lượng giáo dục có bước chuyển mạnh mẽ, nhất là với chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, với tỷ lệ tốt nghiệp 99,74%, Hà Nội từ vị trí 27/63 tỉnh, thành phố vươn lên vị trí thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2021. Còn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa năm học 2022-2023, Hà Nội có 141 hoc sinh đạt giải, tăng 16 giải so với năm học trước. Đặc biệt, năm học 2023-2024 dù mới đi được ¼ chặng đường, Hà Nội đã có 6 học sinh đạt giải quốc tế với 3 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng và 1 giải Khuyến khích.

Cũng theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dù chất lượng giáo dục mũi nhọn đã có chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa có sự đồng đều giữa các địa phương, nhà trường.

Chia sẻ những trăn trở về giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục mũi nhọn nói riêng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, Hà Nội có nhiều thế mạnh. Toàn thành phố hiện có 124.000 giáo viên, ngân sách đầu tư cho giáo dục luôn được ưu tiên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức dạy học ở các nhà trường ngày càng được tăng cường…

Nhận định rằng, sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng của học sinh Hà Nội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các kỳ thi trong năm học vừa qua là sự nỗ lực rất lớn của các nhà trường, song ông Trần Thế Cương cũng cảnh báo, kết quả này có nguy cơ không bền vững nếu từng nhà trường, mỗi giáo viên không tiếp tục cố gắng và có giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Giải pháp nào "giữ chân" học sinh giỏi

Ý kiến của các cán bộ quản lý, giáo viên tại cuộc gặp mặt đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mũi nhọn, từ đó nêu đề xuất tháo gỡ.

Cô giáo Doãn Thị Đông, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, dù chất lượng giáo dục mũi nhọn của học sinh thành phố những năm gần đây có nhiều khởi sắc, song chưa tương xứng với vị thế; trong khi đó, duy trì được vị trí dẫn đầu của Hà Nội là việc không dễ.

“Hiện nay, học sinh nhạt lòng với các môn khoa học mà quan tâm nhiều đến các hoạt động xã hội và đam mê mạng xã hội. Nhiều em thích được bầu vào một câu lạc bộ nào đó hơn là được vào đội tuyển học sinh giỏi; có học sinh sẵn sàng bỏ học đội tuyển để tham gia sự kiện câu lạc bộ yêu thích... Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là sức hấp dẫn của giải thưởng học sinh giỏi giảm rõ rệt, vì vậy cần có cơ chế khen thưởng thích đáng với học sinh có thành tích”, cô giáo Doãn Thị Đông nêu ý kiến.

Giáo viên đề xuất giải pháp nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Giáo viên đề xuất giải pháp nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Nhằm động viên, khích lệ học sinh, đồng thời tạo nguồn tốt cho các trường chuyên của thành phố, cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ đề xuất cần có chính sách cộng điểm ưu tiên đầu vào cho học sinh đạt giải học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố khi các em thi vào trường chuyên. “Bản thân tôi quan sát thấy chúng ta “mất” nhiều học sinh giỏi cấp trung học cơ sở vào khối chuyên của các cơ sở đào tạo đại học. Các học sinh đạt giải Nhất kỳ thi này thường có mặt trong danh sách đội tuyển dự thi quốc tế của các trường này. Vì vậy cần sớm có chính sách để thu hút, “giữ chân” học sinh giỏi vào các trường chuyên của Sở”, cô giáo Lan Hương đề nghị.

Từ thực tế quản lý tại đơn vị, nhà giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đề xuất cần có cơ chế tuyển thẳng học sinh đạt giải nhất cấp thành phố vào trường chuyên và cộng điểm vào trường công lập.

Theo bà Lê Kim Anh, hiện nay sân chơi trí tuệ dành cho học sinh trung học cơ sở ít, trong khi nhu cầu tham gia để trải nghiệm, để được thử thách của học sinh ngày càng nhiều. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần mở rộng các sân chơi trí tuệ để các em được cọ xát, có cơ hội thi đua...

Các ý kiến của giáo viên tham dự cuộc gặp mặt cũng đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tăng cường tổ chức các chuyên đề chuyên sâu hơn để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; có cơ chế khen thưởng, động viên giáo viên, học sinh giỏi; tăng cường các điều kiện dạy học, nhất là cơ sở vật chất phục vụ thực hành, thí nghiệm; cho phép Trường Trung học phổ thông Chu Văn An được tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra, thay vì chỉ cho các em đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên tham dự như hiện nay để thu hút học sinh giỏi...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Ghi nhận và bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà giáo trong việc duy trì, nâng cao vị thế của giáo dục Thủ đô, ông Trần Thế Cương chia sẻ, đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, giáo viên Hà Nội truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt.

“Những vấn đề được các thầy, cô giáo nêu ra hôm nay cũng là những nội dung mà lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất quan tâm và sẽ tìm biện pháp tháo gỡ. Sở sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính sách cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 đạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố; có hình thức khen thưởng kịp thời đối với học sinh đạt giải và giáo viên có học sinh đạt giải...” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hien-ke-nang-chat-luong-giao-duc-mui-nhon-cua-thu-do-646927.html