Hiến kế sớm đưa đất nước vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19
Ngày 3/7, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai (khóa IX), đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm dồn sức, hiến kế để quyết tâm đưa đất nước phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Cơ quan nhà nước đi đầu trong mua hàng Việt
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, MTTQ Việt Nam cần thay đổi nội dung, hình thức của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo từng thời kỳ, từng điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi giai đoạn khác nhau.
Ông Thiên cho rằng, cách dùng từ “ưu tiên” trong khẩu hiệu cuộc vận động vẫn mang tính hỗ trợ, chia sẻ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp mà chưa tác động mạnh vào sự tự tôn, sự tự hào của người dân khi dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh việc nâng cao lòng tự hào khi dùng hàng Việt của người tiêu dùng, MTTQ Việt Nam cần mở rộng phạm vi người tiêu dùng khi tham gia cuộc vận động, cụ thể không chỉ người dân mà cần có sự đi đầu của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong việc mua những sản phẩm hàng Việt Nam, từ đó hàng Việt sẽ có được sự cạnh tranh mạnh mẽ với các hàng hóa khác, doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực hơn, tạo tính lan tỏa cho cuộc vận động.
Về phục hồi kinh tế xã hội hậu Covid-19, ông Thiên cho rằng, sự tham góp ý kiến của MTTQ Việt Nam là rất quan trọng, giúp nhận diện được nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của các doanh nghiệp, lường trước những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để có những dự liệu, biện pháp đối phó kịp thời.
Bên cạnh đó, cách thức cứu trợ của Nhà nước với doanh nghiệp cần có sự tính toán lâu dài, để không chỉ cứu trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp được “thay máu”, có kinh phí để đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, đem lại luồng gió mới giúp nền kinh tế nước nhà đứng dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Nêu quan điểm của mình, Phó ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, cùng với việc phòng, chống dịch COVID-19, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải tái cấu trúc nền kinh tế, chú trọng đến việc nội địa hóa khoa học công nghệ cũng như kích cầu du lịch nội địa theo hướng xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo Phó ban Kinh tế Trung ương, sau dịch Covid-19, mặc dù việc kích cầu du lịch chúng ta đang làm rất nóng nhưng thực tế vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế phải đổi mới tư duy để đánh giá đúng tiềm năng về thị trường để người dân tiếp cận với du lịch theo đúng tầm nhìn, “để nói đến khoa học công nghệ, nói đến tái cấu trúc nền kinh tế, nói đến du lịch thì phải nói đến thương hiệu quốc gia”.
Đánh giá cao vai trò của Mặt trận trong tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, vận động nhân dân ủng hộ khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị trong thời gian tới phải làm thế nào tăng cường vai trò của MTTQ cơ sở trong triển khai các hoạt động của Trung ương đến địa phương.
Bà Doan lưu ý, vừa qua vẫn còn tình trạng tiền hỗ trợ không đúng địa chỉ, từ nhà nghèo đi vào nhà giàu, gói cứu trợ đi vào nhà những người không đáng được hưởng. Chính vì vậy, cùng với việc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, MTTQ các cấp phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đừng để những ngành kinh tế có tiềm năng phải chờ đợi hỗ trợ
Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, MTTQ Việt Nam đã thu được nhiều thành công từ việc phát huy vai trò của mình, xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng qua, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, vai trò của các tổ chức đại diện khối doanh nghiệp cần được nhìn nhận rõ hơn.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiệm vụ đặt ra cho cả nước là phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tái thiết nền kinh tế. Trong đó, vai trò của các y bác sĩ là những người ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, còn trong công cuộc tái thiết, phục hồi nền kinh tế, tuyến đầu chính là những doanh nghiệp.
Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung thêm những nhận định, đánh giá về doanh nghiệp, những thành công doanh nghiệp đã đạt được trong thời gian qua.
Nhấn mạnh tới ý nghĩa to lớn với các doanh nghiệp từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do MTTQ Việt Nam phát động, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị MTTQ Việt Nam cần phát động các tháng cao điểm nhằm thực hiện cuộc vận động để phong trào này liên tục được triển khai, từ đó nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của cuộc vận động này.
Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề cập đến một số năng lực thể chế trong sự thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, hầu như các bộ luật hiện nay không có sự đột phá trong thể chế. Nhiều tổ chức thành viên đã có kiến nghị về việc chồng chéo các quy định pháp luật và các hạn chế, khó khăn khác.
Vì vậy, MTTQ cần tăng cường tham gia giám sát, góp ý vào các văn bản pháp luật, làm sao để khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhanh nhất, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
“MTTQ Việt Nam cần tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ phổ thông. Trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ. Những doanh nghiệp thuộc các ngành khác đang thiếu vốn, gặp khó khăn sẽ có thể bị các doanh nghiệp khác thâu tóm gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do đó, gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân
Tại Hội nghị, các ý kiến đều đồng thuận trong mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đã và đang đạt được thành công bước đầu.
Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, chúng ta không thể thỏa mãn trước những thành quả này mà phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện thành công hai nhiệm vụ vừa phòng chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế, ông Duyệt khẳng định với vai trò là trung tâm kết nối của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận cần làm cho nhân dân hiểu rõ quyết tâm và chủ động trong thực hiện hai mục tiêu này.
Ông Phạm Thế Duyệt cũng nhấn mạnh tới việc MTTQ các cấp cần tập hợp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm sau đại dịch như phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đại hội đảng bộ các cấp, giáo dục, y tế, tài nguyên, môi trường. Đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đưa ra những kiến nghị tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có những giải pháp hiệu quả để đưa doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh trước những khó khăn mà đại dịch gây ra.
“Đối với việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Mặt trận phải có tiếng nói. Trong quá trình tổ chức đại hội đảng, Mặt trận phải thể hiện rõ vai trò phản biện, chính kiến của mình đối với nhân sự được bầu tại đại hội và có những góp ý tâm huyết, trách nhiệm vào những nội dung cụ thể của văn kiện đại hội”, ông Phạm Thế Duyệt gợi mở.
Năm 2020, bên cạnh việc chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt mong muốn, các hoạt động hưởng ứng sẽ diễn ra với không khí sôi nổi, thiết thực, tạo được niềm tin yêu của nhân dân với Mặt trận.
Nêu ý kiến của mình, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ, trong thành công của công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự đồng thuận của người dân có vai trò rất quan trọng của Mặt trận trong việc đoàn kết nhân dân trong nước và bà con kiều bào cùng hướng về quê hương. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, hạn chế nguồn lực nhưng chúng ta đã vượt qua khủng hoảng này một cách ngoạn mục. Không chỉ vậy, chúng ta còn chia sẻ nguồn lực với thế giới, đóng góp cho thế giới trong công tác phòng, chống dịch.
Mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, ông Nguyễn Phú Bình tin tưởng sau đại dịch, đất nước ta có đủ điều kiện thuận lợi phục hồi kinh tế, để thành khâu quan trọng trong cung ứng của thế giới. Khả năng chúng ta còn rất nhiều trong mặt hàng nông sản, chính vì vậy, trong thời gian tới để phục hồi nền kinh tế, chúng ta không chỉ tập trung tuyên truyền để người Việt dùng hàng Việt mà còn phải hướng tới đưa hàng Việt ra thế giới. Bên cạnh đó cần tiếp tục quan tâm đến việc đưa nguồn vốn kiều hối về nước để phát huy tối đa mọi nguồn lực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.