Hiến kế sử dụng hiệu quả điểm đón taxi cố định

Nhiều chuyên gia cho rằng cần chọn lựa lại địa điểm đón taxi cho phù hợp và cần tạo ra những tiện ích cho hành khách sử dụng điểm đón.

Mô hình thí điểm điểm đón taxi cố định trên địa bàn TP.HCM kỳ vọng sẽ xóa được nạn taxi “dù”, hạn chế tình trạng kẹt xe ở trung tâm TP. Tuy nhiên, đến nay các điểm đón vẫn ế khách và vắng taxi.

Hoạt động không hiệu quả

TP.HCM có năm điểm đón taxi cố định ở quận 1 chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 8-8-2018. Đó là các điểm tại 16 Alexandre De Rodes, đối diện 139 Nguyễn Du, trước cổng chính BV Nhi đồng 2, trước 29 Lý Tự Trọng và trước số 3 Hàn Thuyên.

Sáng 5-2, PV Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận thực tế tại năm điểm đón trên. Qua đó cho thấy hầu hết các trụ tín hiệu taxi hư hỏng, taxi không đậu và vắng hành khách.

Đơn cử như điểm đón taxi trước cổng BV Nhi đồng 2 (đường Nguyễn Du), nơi tập trung đông đảo lực lượng taxi, lượng người ra vào luôn đông đúc. Tuy nhiên, cả hành khách lẫn taxi đều không sử dụng điểm đón này mà hành khách có nhu cầu đi ở đâu thì taxi tới đó đón.

Ông Trần Văn Tài (tài xế xe ôm khu vực này) cho biết trụ đèn tín hiệu taxi chỉ còn lại “bộ xương” vì các bộ phận trên trụ đã không còn sử dụng được.

Bốn điểm còn lại cũng không có taxi nào dừng chờ, thay vào đó là rất nhiều ô tô con tấp vào đậu xe ngay trước trụ đèn hoặc dọc theo tuyến đường có điểm đón. Trong đó, trụ đèn tại 29 Lý Tự Trọng đã bám đầy mạng nhện và thành nơi bỏ rác của một số người dân.

Đại diện UBND quận 1 cho biết trong quá trình triển khai, quận đã cố gắng trong hoạt động tuyên truyền, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất ở các địa điểm trên và bố trí không gian tương đối phù hợp. Tuy nhiên, việc rà soát, đánh giá hiệu quả của việc thí điểm chưa đạt như mong muốn, số lượng người dân đón đúng điểm như đã triển khai cũng chưa nhiều.

“Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục quan tâm đến hạ tầng về mặt giao thông tại điểm đón sao cho phù hợp. Song song yêu cầu các nhà kinh doanh taxi phải có sự tuyên truyền đối với tài xế. Cụ thể, tài xế phải đón tại những điểm đón cố định dành cho taxi đúng quy định, nếu sai quy định thì xử lý như thế nào?” - vị đại diện nói.

Điểm đón taxi cố định trước cổng BV Nhi đồng 2. Ảnh: THU TRINH

Điểm đón taxi cố định trước cổng BV Nhi đồng 2. Ảnh: THU TRINH

Tạo đầu mối giữa hãng taxi và điểm đón

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông (ĐH Bách khoa TP.HCM), đánh giá nguyên nhân việc thí điểm điểm đón taxi hiện nay vắng khách lẫn taxi là do chưa khảo sát và nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người đi taxi. Trong khi taxi truyền thống và taxi công nghệ phục vụ đến tận vị trí người dân có nhu cầu.

Nguyên nhân thứ hai, ông Mai cho rằng sự phối hợp giữa những điểm đón này và tổng đài của các hãng taxi là chưa thật sự được thiết lập. Vì thế, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài bấm nút rất cổ điển. Trong khi hiện nay công nghệ số hóa đã cho phép giữa hãng taxi, người lái taxi, hành khách liên hệ với nhau rất chặt chẽ.

Nguyên nhân thứ ba là TP chỉ nên làm điểm đón taxi tại sân bay, bến xe, các điểm vui chơi công cộng, dịch vụ; những cao ốc, khách sạn năm sao; khu phố trung tâm, phố đi bộ… Còn việc đón khách trên các tuyến phố không nên tổ chức các điểm đón vì hoàn toàn không khả thi.

Ông Mai cho rằng việc thí điểm các trạm đón taxi đã thất bại hoàn toàn từ phương pháp đến công nghệ gọi taxi. Mặc dù tại TP.HCM nhu cầu có điểm đứng đón taxi của người dân là có thật và một số nước vẫn còn dùng hình thức trên.

Theo đó, ông Mai góp ý cần có sự kết hợp tốt giữa các hãng taxi và các điểm đón sao cho tại mỗi điểm có nhiều hình thức gọi taxi khác nhau. Cụ thể, các loại nút bấm dùng cho các hãng taxi khác nhau, công nghệ thông tin liên lạc kỹ thuật số thông qua điện thoại thông minh, màn hình tại điểm đón… Từ đó, hành khách và tài xế taxi có thể liên kết với nhau để nhanh chóng thực hiện cuộc di chuyển theo nhu cầu.

Về mặt quản lý, TP cần theo hệ thống phối hợp giữa các hãng taxi và Sở GTVT để có người quản lý, sắp xếp chuyến, tránh tranh giành hành khách. Đồng thời, tại trạm đón taxi nên xây dựng khuôn viên để hành khách có thể thoải mái ngồi đợi. Khuôn viên này có thể do các hãng taxi và các đơn vị có cơ sở mặt bằng như sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe khách, bệnh viện phối hợp cùng xây dựng, không nên để một đơn vị độc quyền.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định: “Tổ chức điểm đón taxi thì phải bài bản, đáp ứng nhu cầu của taxi và người sử dụng nó”.

Việc tổ chức điểm đón phải ở khu vực đông người như nhà ga, bến xe… “Trong năm điểm trên, tôi nhận thấy điểm ở BV Nhi đồng 2 là cần thiết, đây là điểm khách thường xuyên đến. Những điểm còn lại không phải là nơi tụ tập đông người” - ông Sơn nói.

Từ đó, ông Sơn cho rằng cần tập trung taxi vào một điểm đón và có gắn biển cấm để taxi không được đậu những chỗ khác. Muốn hiệu quả thì các hãng taxi cần có người tổ chức điều phối tại chỗ hoặc ít nhất cần có trạm điện thoại công cộng cho hành khách gọi taxi, thậm chí là miễn phí. Cuối cùng, điểm đón taxi phải có chỗ xếp hàng theo lối, trời mưa, trời nắng có chỗ che cho người sử dụng.

Trước đó, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng việc thí điểm điểm đón taxi không dễ, lập lại trật tự taxi trên đường cũng là lập lại trật tự lòng, lề đường của TP.

Ông Hoan đưa ra bốn giải pháp hiệu quả cho điểm đón taxi ở TP:

Thứ nhất: Tổ chức đồng hành cùng doanh nghiệp taxi, nếu cần thiết phải khoanh vùng hoạt động ở trung tâm TP.

Thứ hai: Lựa chọn điểm đón taxi. Những điểm đó là trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, những điểm tập trung đông người và có nhu cầu taxi thường xuyên nhưng những điểm đó phải có tổ chức cụ thể.

Thứ ba: Đưa ra quy định trật tự lòng, lề đường ở các điểm đón, đấu thầu chọn hãng taxi đáp ứng đủ yêu cầu để tiếp nhận được phép đưa taxi vào đón khách. Đấu thầu ở đây không phải lấy tiền mà đấu thầu để chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu về trật tự lòng, lề đường.

Cuối cùng là phân khu vực taxi theo từng vùng. Thấy rộng quá, lớn quá thì mỏng ra, những điểm nút trung tâm phải rải ra bên ngoài để đón khách.

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/hien-ke-su-dung-hieu-qua-diem-don-taxi-co-dinh-887732.html