'Hiến kế' tạo đột phá

Vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là vùng 'lõi nghèo' của cả nước. Chính vì vậy, phát triển sinh kế để nâng cao thu nhập cho đồng bào được xem là vấn đề căn bản để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa người DTTS và dân tộc đa số. Chuyên đề DTTS&MN xin trích đăng một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự án 3: 'Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất theo chuỗi giá trị', tại buổi thảo luận góp ý Dự thảo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đa dạng hóa sinh kế từ rừng
Ông Bế Minh Đức - Đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng
Một bộ phận lớn đồng bào DTTS hiện sinh sống chủ yếu ở vùng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, hiện nay, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, mức hỗ trợ giao khoán, bảo vệ rừng còn thấp, trong khi số diện tích rừng các hộ được nhận giao khoán cũng không nhiều. Do vậy, để làm sao người dân được hưởng lợi cao nhất từ rừng, dự án của chương trình cần nhấn mạnh đến nội dung đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng rừng một cách cụ thể cho vùng DTTS và miền núi. Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch trồng rừng sản xuất. Chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch, rừng nghèo kiệt sang rừng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây khác, tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS đa dạng hóa sinh kế từ rừng.

Vùng miền núi cần những công trình trọng điểm để tạo đà phát triển

Thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân
Bà Hoàng Thị Thu Trang - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Một trong những khó khăn của nông nghiệp miền núi là sản xuất không có đầu ra, giá cả bấp bênh, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Để giải quyết vấn đề này, cần quan tâm hỗ trợ, phát huy mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, làm sao để đảm bảo đúng định hướng doanh nghiệp là hạt nhân dẫn dắt bà con. Theo mô hình này, người dân phấn khởi sản xuất trên chính mảnh đất của mình, không phải lo về kỹ thuật, đầu ra; làm được sản phẩm nào thì được doanh nghiệp thu mua. Tránh tình trạng, người dân chưa chung thủy với doanh nghiệp, thị thường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng không ổn định.

Để các địa phương quyết định lựa chọn sinh kế Bà Vương Ngọc Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Với nhóm dân tộc rất ít người, cần xác định mức đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế ở mức cao nhất, với nguồn lực lớn và tập trung. Trong đó, giao quyền cho các địa phương quyết định nên triển khai sinh kế nào vì chỉ có các địa phương mới thực sự hiểu được sinh kế nào phù hợp với đồng bào, thổ nhưỡng, khí hậu, phương thức canh tác của địa phương. Không nên có một mô hình, áp dụng cho nhiều địa phương vì có thể dẫn đến tình trạng phù hợp với địa phương này, không phù hợp với địa phương khác, phù hợp với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác.

Giải quyết triệt để vấn đề đất sản xuất
Ông Tô Văn Tám - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Mặc dù sinh kế của người dân vùng DTTS và miền núi gắn với nông lâm nghiệp là chủ yếu, nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra ở nhiều nơi. Để vấn đề đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi thoát khỏi rốn nghèo được thực hiện hiệu quả, thì vấn đề đất sản xuất phải được giải quyết thật sự và triệt để. Cụ thể, các hộ không chỉ đủ với diện tích mà đất phải đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất, không cằn cỗi, không bị rửa trôi, sạt lở, xói mòn.

Sản xuất nông sản đặc sản thay cho cao sản
Bà Leo Thị Lịch - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Quê hương tôi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ngày trước, đây là một vùng quê nghèo khó, nhưng nhờ có vải thiều phù hợp với động đất nên người dân đã đỡ khổ, một số hộ đồng bào DTTS từ đói nghèo vươn lên thành tỷ phú. Thực tế ở Lục Ngạn cho thấy, sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện, chỉ nên sản xuất sản phẩm mà xã hội cần. Cụ thể, phải đổi mới tư duy lấy đặc sản thay cho cao sản, trái vụ thay cho chính vụ, lấy thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lấy phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-ke-tao-dot-pha-139477.html