Hiến mô tạng ở Việt Nam: Nghĩa cử cao đẹp, cho đi là còn mãi

Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, là nghĩa cử cao đẹp, món quà quý giá mà người hiến 'cho đi là còn mãi'.

Trái tim được vận chuyển từ Hà Nội của người chết não đến TPHCM.

Trái tim được vận chuyển từ Hà Nội của người chết não đến TPHCM.

Hiện nay, cả nước có 18 trung tâm ghép tạng, trình độ ghép tạng được đánh giá ngang tầm với trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Đây là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối.

Tại Việt Nam, nhiều ca ghép gan, tim, phổi, thận, tụy thực hiện thành công nhưng điều khó khăn về thiếu nguồn tạng để ghép vẫn là vấn đề nan giải, nhiều người bệnh đang đấu tranh duy trì sự sống từng giờ để chờ đợi được ghép.

Tiếp nối hy vọng, ươm mầm sự sống

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp giúp tiếp nối hy vọng, ươm mầm sự sống cho nhiều người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng. Việc những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đơn vị nam thanh niên 32 tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu nặng, hôn mê sâu, hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. Các bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương nghiêm trọng, chuyển phòng mổ can thiệp nhưng sức khỏe bệnh nhân xấu dần. Sau gần hai tiếng xác định chết não, gia đình quyết định hiến tạng của anh để mang lại sự sống cho những người khác.

 PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, người trực tiếp vận chuyển trái tim cùng ê-kíp từ Hà Nội về TPHCM,

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, người trực tiếp vận chuyển trái tim cùng ê-kíp từ Hà Nội về TPHCM,

Đây là lần đầu tiên bệnh viện nói riêng và cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nói chung, thực hiện lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não. Được sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ê-kíp ghép hai thận cho hai bệnh nhân là một người đàn ông suy thận từ năm 2012 và một phụ nữ 42 tuổi suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020.

Lá gan người hiến được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, quả tim của người hiến được vận chuyển bằng máy bay vào Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Những nhịp đập đầu tiên của trái tim “xuyên Việt”

Người trực tiếp tham gia phẫu thuật cùng ê-kíp vận chuyển trái tim từ Hà Nội vào TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thông tin, lúc 2h05 ngày 25/8, trái tim được ghép đập nhịp đầu đầu tiên trong ngực người được tặng.

 Ê-kíp vận chuyển tim từ Hà Nội về TPHCM.

Ê-kíp vận chuyển tim từ Hà Nội về TPHCM.

Theo BS Định, người nhận là bệnh nhân L.H.A (37 tuổi), chẩn đoán mắc cơ tim giãn, chức năng tim rất kém, nếu không ghép tim kịp thời sẽ không sống được bao lâu nữa. Người bệnh đã đăng ký vào danh sách của Trung tâm Điều phối tạng quốc gia.

Rạng sáng 24/8, bệnh viện nhận thông báo có một trái tim phù hợp cho người bệnh. Trái tim này đến từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Nhận được thông tin, BS Định trực tiếp ra Hà Nội tham gia phẫu thuật, vận chuyển tim về TPHCM.

Trái tim rời phòng mổ số 2 của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lúc 20h ngày 24/8, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 23h, được bảo vệ nghiêm ngặt và hỗ trợ bởi hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế cùng sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành, đến Bệnh viện Đại học Y dược ngay trong đêm.

 PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM theo dõi xuyên suốt quá trình ca phẫu thuật diễn ra.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM theo dõi xuyên suốt quá trình ca phẫu thuật diễn ra.

BS Định đánh giá, điều cần thận trọng là bệnh nhân A. có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, bệnh nhân A. có nhóm máu Rh âm tính, một trường hợp rất hiếm gặp trong ghép tim, kể cả trong y văn thế giới. Ca ghép diễn ra ngày cuối tuần, việc chuẩn bị máu dự trữ từ ngân hàng máu không thuận lợi, những nhân viên bệnh viện có nhóm máu Rh âm tính đều có mặt để dự phòng hiến máu khi cần thiết.

Đúng 0h ngày 25/8, trái tim bị suy được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Sau 2 tiếng phẫu thuật, quả tim được ghép đã đập những nhịp đầu tiên. Sau ca mổ, tình trạng huyết động của người bệnh tương đối ổn định nhưng vẫn cần theo dõi sát sao, đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau mổ. Chiều 26/8, bệnh nhân A. được rút nội khí quản, tỉnh táo.

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - khẳng định: “Hành trình ngoài lồng ngực của trái tim dù 7 giờ vẫn an toàn là niềm tự hào về tinh thần kết nối, một lòng vì sự sống của người bệnh. Chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến người đã hiến tặng và gia đình của họ”.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hien-mo-tang-o-viet-nam-nghia-cu-cao-dep-cho-di-la-con-mai-post698292.html