'Hiện tại không nên bàn việc bỏ môn thứ 4 trong kỳ thi vào 10'
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, nên giữ nguyên kế hoạch tuyển sinh lớp 10 có môn thứ 4 và sẽ công bố trong tháng 3. Các thay đổi khác nếu có phải là của năm học sau và phải được thông báo từ trước.
Trao đổi với VietNamNet, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, những gì Sở GD-ĐT Hà Nội đã thống nhất từ đầu năm học thì cứ thế triển khai để tránh làm thay đổi kế hoạch giáo dục của nhà trường, không làm xáo trộn tâm lý của học sinh, phụ huynh và giáo viên.
“Thời điểm hiện tại chúng ta không nên bàn việc có nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không.
Quan điểm của tôi là giữ nguyên kế hoạch tuyển sinh lớp 10 có môn thứ 4 và sẽ công bố trong tháng 3. Các thay đổi khác nếu có phải là của năm học sau và phải được thông báo từ trước. Bởi lẽ, hiện nay các nhà trường vẫn dạy và học theo kế hoạch của Sở GD-ĐT từ đầu năm.
Lứa học sinh năm nay cũng khác với năm trước là không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có chăng thì việc ra đề cần phù hợp với kế hoạch dạy và học hiện nay”, thầy Mạnh Tùng nói.
Đưa ra lời khuyên gì cho học sinh, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng: “Học sinh cần nắm vững kiến thức quy chế thi, cách thức thi, cứ học theo hướng dẫn của thầy cô bộ môn, theo kế hoạch của nhà trường.
Để đạt hiệu quả học và thi cao nhất, ngoài việc làm đúng theo những gì thầy cô hướng dẫn, mỗi học sinh cần có thêm kế hoạch riêng của bản thân.
Tiếp nữa là nếu có gì chưa rõ, học sinh cần trao đổi với các thầy cô để có đầy đủ thông tin, được hướng dẫn ôn thi hiệu quả. Một điều đáng lưu ý nữa là, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng dựa trên đánh giá điểm thi đầu vào của trường cùng với năng lực thực sự của chính thí sinh để không rơi vào tình trạng.... trượt hết nguyện vọng”.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho biết, xu hướng bậc THPT mới là đào tạo học sinh học nghề, hướng nghiệp cũng vẫn cần học sinh có kiến thức toàn diện.
“Tôi có thể khẳng định nếu chỉ thi vào lớp 10 với 3 môn thì đa số học sinh có tâm lý sẽ không tập trung học những môn còn lại. Thực tế, phụ huynh cho con đi học thêm cũng là mong muốn con đạt điểm cao.
Trong khi đó, học không chỉ là để lấy kiến thức mà lấy tư duy của môn học. Ví như môn Toán rèn tư duy logic, môn Văn học là có kỹ năng diễn đạt, trình bày chứ không chỉ để thi đơn thuần.
Vì thế vẫn nên duy trì môn thi thứ 4 để học sinh có ý thức học đồng đều các môn. Quan trọng nhất là phụ huynh tìm trường phù hợp với năng lực của con thì sẽ đỡ áp lực.
Ví như con chọn trường THPT Minh Khai (trung bình 8 điểm trở lên mới đỗ), nếu học sinh học ổn định, năng lực giỏi chắc chắn môn nào cũng 8 điểm trở lên thì không áp lực gì, thi 3 môn hay 4 môn cũng thế”, thầy Dũng nói.
Đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh, thầy Nguyễn Văn Dũng cho rằng các em nên chọn trường phù hợp với khả năng. Nếu bố mẹ mong vào trường hot trong khi năng lực của con hạn chế thì sẽ tạo ra áp lực.
Một chuyên gia xin được giấu tên cũng cho rằng, thi 3 hay 4 môn không quan trọng mà quan trọng là tâm lý của các con và người lớn tạo sự thoải mái nhất cho học sinh khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Nhìn bài toán tổng thể, quan trọng là có phương án sớm cho học sinh chủ động ôn tập. Thi tốt nghiệp THPT cũng là dạng bài tổ hợp. Nếu bây giờ chúng ta dễ dãi, sau này chính học sinh sẽ vất vả. Hơn ai hết người lớn hãy coi mọi thứ bình thường, học gì thi đó, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Với nhà quản lý có thể thi ít môn sẽ nhẹ nhàng cho khâu tổ chức thi nhưng chất lượng học sinh phải được đặt lên hàng đầu. Thi 3 môn sẽ dễ dẫn đến tình trạng học sinh không học những môn phụ, sau này giáo viên cấp 3 dạy cũng sẽ vất vả.