Hiện thực cuộc sống, hành trang nghề quý giá

BHG - Tháng Ba vừa qua, những người làm Báo Đảng nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc đã có hành trình gần 2.000 cây số đến với dải đất Tây Nguyên, miền Trung đất nước. Hành trình ấy dệt thêm chất liệu cuộc sống quý giá, nhân lên tình cảm sắt son giữa những người làm Báo Đảng, phấn đấu vì mục tiêu: Chung sức xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Đoàn công tác của Báo Hà Giang trao đổi, học tập kinh nghiệm thiết kế ấn phẩm báo chí tại Báo Đắk Nông.

Đoàn công tác của Báo Hà Giang trao đổi, học tập kinh nghiệm thiết kế ấn phẩm báo chí tại Báo Đắk Nông.

Từ hiện thực cuộc sống...

Với những người làm Báo Đảng, nếu kỹ năng là yếu tố cần thì hiện thực cuộc sống chính là yếu tố đủ để người làm báo có thêm chất liệu quý giá, sáng tạo nên tác phẩm báo chí chất lượng. Đến với Tây Nguyên, tình cảm nồng ấm, sắt son của những người làm Báo Đảng các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đã giúp chúng tôi có thêm “hành trang nghề” khi được tìm hiểu, trải nghiệm hiện thực cuộc sống phong phú, độc đáo của mỗi địa phương về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, di tích, danh thắng, con người, lễ hội truyền thống, địa điểm du lịch...

Tháng Ba Tây Nguyên, trời “xanh trong như suối ngàn” khiến bất cứ ai chứng kiến cũng dâng trào cảm xúc xốn xang. Dưới khung trời thơ mộng ấy, sắc trắng tinh khôi của hoa cà phê tỏa ngát hương, bồng bềnh trên khắp các sườn đồi khiến dải đất Tây Nguyên thêm quyến rũ, trữ tình. Dừng chân ở Gia Lai, cảnh sắc độc đáo của hồ T’Nưng (Biển Hồ) làm say lòng du khách. Đây không chỉ là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố Pleiku mà còn được mệnh danh “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” đã đi vào những sáng tác thơ, ca bất hủ làm rung động biết bao trái tim người Việt. Cùng với đó, “Hàng Thông trăm tuổi” bên cạnh Biển Hồ trở thành một trong những địa điểm check-in nổi tiếng khi được mệnh danh “Con đường lãng mạn nhất Pleiku” với khung cảnh xứ Hàn độc đáo.

Đoàn công tác của Báo Hà Giang tham quan Phòng truyền thống của Báo Gia Lai.

Đoàn công tác của Báo Hà Giang tham quan Phòng truyền thống của Báo Gia Lai.

Đến Đắk Lắk, chúng tôi không chỉ chứng kiến một địa phương giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng danh vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên mà còn được hòa mình vào một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Lưu luyến rời Đắk Lắk, chúng tôi có những trải nghiệm lý thú về những nét tương đồng giữa tỉnh miền núi, biên giới nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc với tỉnh cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên – Đắk Nông. Nơi đây không chỉ là khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia mà còn có Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Đắk Nông, được UNESCO vinh danh năm 2020. Nếu như Hà Giang có CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn trứ danh thì CVĐCTC Đắk Nông nổi tiếng với vùng đất đỏ trù phú, hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử, khiến bất cứ ai cũng muốn khám phá, trải nghiệm.

... đến “thổi hồn” vào tác phẩm

Một ai đó từng nói: “Hiểu biết là nguồn chính của việc viết văn hay”. Với người làm báo cũng vậy, việc trải nghiệm, tích lũy kiến thức, vốn sống là một trong những hành trang nghề quý giá để “thổi hồn” vào tác phẩm. Đến Tây Nguyên, tạo cho chúng tôi cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm làm báo với đồng nghiệp các Báo Đảng địa phương. Đó là kinh nghiệm đưa cuộc sống vào trang báo và từ trang báo trở lại cuộc sống một cách sinh động, hấp dẫn; là công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa báo chí để tăng sức cạnh tranh, tạo đà phát triển và chiếm lĩnh ưu thế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ.

Phó Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Lê Minh Thược, chia sẻ: “Chuyển mình theo xu hướng của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số, ngoài tích hợp đa phương tiện trên Báo Đắk Lắk điện tử, chúng tôi còn tổ chức sản xuất bài E-magazine, kết hợp hài hòa giữa chữ viết, hình ảnh, video, file âm thanh, các yếu tố đồ họa... Từ đó, tạo nên “món ăn tinh thần” hoàn toàn mới, hấp dẫn độc giả bởi sự bố trí đẹp mắt, thông tin mang tính tổng hợp, phân tích chuyên sâu”. Và thực tế cho thấy, để sản xuất một bài báo E-magazine, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo Đắk Lắk đã dành nhiều thời gian, công sức cho việc tổ chức sản xuất, từ khâu lên ý tưởng, tìm kiếm chủ đề hấp dẫn đến chụp ảnh, quay video và thiết kế đồ họa... Sự đổi mới, sáng tạo này không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh của Báo Đảng địa phương nói chung, Báo Đắk Lắk nói riêng mà còn nhận được sự quan tâm, yêu thích và mong đợi của độc giả. Điển hình có thể kể đến các tác phẩm E-magazine: “Kỳ vĩ những thác nước nơi đại ngàn”, “Hồi sinh thổ cẩm Êđê”, “Trên cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam”...

Không chỉ bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, các báo Đảng khu vực Tây Nguyên còn đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, khẳng định vai trò “cầu nối” ý Đảng – lòng dân. Việc giành giải thưởng danh giá tại các “sân chơi” lớn như: Giải báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Búa Liềm vàng), Giải Báo chí Quốc gia... trở thành minh chứng sinh động cho thành quả lao động nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ người làm báo với “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Trong những năm gần đây, Báo Đắk Nông vinh dự 4 lần được xướng tên tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia thì nhà báo Đỗ Công Tính có 2 lần được vinh danh, trao giải C và giải Khuyến khích. Chia sẻ về cách làm của mình, nhà báo Đỗ Công Tính dẫn chứng: Năm 2019, tác phẩm “Mắc ca đang... “mắc cạn”” của tôi và 1 đồng nghiệp khác vinh dự được trao giải C. Để có được thành công này, chúng tôi đã ấp ủ, nuôi dưỡng, trăn trở, thực hiện đề tài trong suốt 3 tháng với tổng quãng đường thâm nhập thực tế lên đến hàng nghìn cây số. Khi thể hiện tác phẩm, thay vì làm theo cách truyền thống thì chúng tôi thể hiện tác phẩm của mình theo hướng đa phương tiện để làm nổi bật vấn đề...

“Đi một ngày đàng...” đến với Tây Nguyên đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm lý thú về những miền quê đáng sống trên dải đất thiêng liêng hình chữ S của Tổ quốc. Trên hành trình ấy, những người làm Báo Đảng địa phương đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm báo để tiếp nối truyền thống vinh quang và trách nhiệm của nghề, đúng như chia sẻ của Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Trách nhiệm của người làm báo nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Nghề báo đích thực, đó là nỗ lực và tận tâm, đó là tinh thần phục vụ và chiến đấu vì sự thật và lẽ phải, vì lợi ích cao nhất, lợi ích của đất nước và nhân dân”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202206/hien-thuc-cuoc-song-hanh-trang-nghe-quy-gia-9537d0d/