Hiện thực hóa chuyển đổi số trong ứng dụng công nghệ

Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của ngành điện, thời gian qua Công ty Điện lực Thái Bình đã tăng cường triển khai số hóa trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số các phần mềm ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước góp phần để EVNNPC sớm trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Công ty Điện lực Thái Bình hiện đang quản lý, vận hành 18 trạm biến áp 110kV; 08 trạm trung gian (35/10kV và 35/22kV); 4.709 trạm biến áp phân phối; 282,82km đường dây 110kV; 845,1km đường dây 35kV.

Trước đây, một số công việc thực hiện bằng giấy tờ, thủ công có tính chất định kỳ, lặp lại gây khó khăn cho công tác lưu trữ và tổng hợp dữ liệu. Từ khi số hóa dữ liệu quản lý kỹ thuật trên chương trình PMIS được xây dựng trên nền tảng số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu lưới điện theo dạng cây, sơ đồ nguyên lý, chi tiết đến từng vị trí, làm cơ sở cho việc cập nhật dữ liệu và liên kết với các chương trình khác đã thuận tiện, nhanh gọn rất nhiều.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình sử dụng camera nhiệt kiểm tra các vị trí mối nối, ngăn ngừa sự cố phát sinh trên lưới điện.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình sử dụng camera nhiệt kiểm tra các vị trí mối nối, ngăn ngừa sự cố phát sinh trên lưới điện.

Việc khai thác hiệu quả chương trình PMIS và đồng bộ với các chương trình ứng dụng khác đã từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý kỹ thuật, tăng năng suất lao động và thông qua ứng dụng sổ nhật ký điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và quản lý hồ sơ dự án điện tử. Công tác chuẩn hóa lưới điện và cân pha đường dây các trạm biến áp cập nhật trên phần mềm mang lại hiệu quả giảm tổn thất điện năng một cách rõ rệt.

Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả thiết bị, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai áp dụng sửa chữa theo phương pháp tiên tiến như RCM (bảo dưỡng theo độ tin cậy) đối với hệ thống lưới điện và thực hiện áp dụng CBM (sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị) với 11 loại thiết bị trung áp đảm bảo tỷ lệ theo các tháng. Toàn bộ thiết bị còn lại đang được thực hiện theo kế hoạch, đơn vị đã tiến hành thí nghiệm định kỳ máy biến áp, tiếp địa đường dây, kịp thời phát hiện và thay thế các máy biến áp có chỉ số CHI xấu, lập kế hoạch bảo dưỡng các máy biến áp tại hiện trường, góp phần nâng cao độ tin cậy, giảm sự cố trên lưới điện. Cùng với đó việc đưa các thiết bị như camera nhiệt, flycam để phục vụ kiểm tra hệ thống điện cũng được triển khai thuận tiện, an toàn.

Ông Chu Bạch Dương, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Một trong những dấu ấn nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số của Công ty Điện lực Thái Bình là việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa; áp dụng chuyển đổi 9 TBA có người trực sang mô hình TBA không người trực và phát triển lưới điện theo hướng số hóa. Trước kia, hồ sơ tài liệu các thiết bị trong trạm quản lý trên giấy thì khi thực hiện sang chuyển đổi số, các cơ sở dữ liệu quản lý kỹ thuật được đồng bộ về hệ thống thiết bị lưới điện như phần mềm PMIS, GIS...

Tất cả công tác kiểm tra định kỳ đến sửa chữa lưới điện đều được lưu trữ trên hệ thống điện tử và theo dõi trên phần mềm, quá trình thi công sửa chữa, đầu tư, nâng cấp cải tạo hệ thống điện đều có các phương tiện, máy móc hiện đại hỗ trợ nhằm nâng cao tính chính xác, an toàn và đẩy nhanh tiến độ.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình trực, điều hành duy trì cung cấp điện.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình trực, điều hành duy trì cung cấp điện.

Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật tại Công ty Điện lực Thái Bình đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, không chỉ mang lại cho ngành điện và khách hàng sử dụng điện tối đa các tiện ích mà còn góp phần vào công cuộc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy, thay đổi mạnh mẽ trong quản trị và sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh bán điện, tạo sức bật lớn trên hành trình xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Thái Bình đã áp dụng chữ ký số khi ban hành văn bản: Trong năm 2023, Công ty Điện lực Thái Bình đã ban hành trên 4.000 văn bản gửi đến các đơn vị trong và ngoài ngành với tỷ lệ 100 % được ký số, lưu hành trên môi trường mạng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty Điện lực Thái Bình cũng đã ban hành gần 3.000 văn bản được ký số. Mọi văn bản đều triển khai trên máy tính và các thiết bị di động, đã mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của đơn vị. Sử dụng chữ ký số đã đơn giản hóa và tiện lợi hơn mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc. Từ đó, tiết kiệm được tối đa thời gian và chi phí trong quá trình sản xuất. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với chữ ký thủ công truyền thống, chữ ký số cho phép Lãnh đạo công ty có thể ký văn bản, hóa đơn, hợp đồng… mọi lúc, mọi nơi bằng phương thức trực tuyến. Thông qua đó, các bên tham gia ký kết có thể trao đổi thông tin, tài liệu nhanh chóng và chính xác hơn, không phải đi lại phục vụ cho quá trình ký kết trực tiếp như trước.

Đặc trưng nổi bật là sở hữu tính bảo mật cao, việc sử dụng chữ ký số giúp đơn vị có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các giao dịch điện tử. Nhờ đó tránh được những rủi ro không đáng có như thiếu sót tài liệu hay bị tiết lộ thông tin quan trọng ra bên ngoài.

Cùng với đó là việc Công ty Điện lực Thái Bình hoàn thành lắp đặt 740 ngàn công tơ điện tử có khả năng đo xa trong tổng số 747.154 công tơ (chiếm 99,04% công tơ đang vận hành trên lưới) thì việc phát triển chữ ký số và văn phòng điện tử càng phát huy tính năng kết nối vượt trội của các phần mềm quản lý; xen kẽ hỗ trợ lẫn nhau để quản trị toàn diện, mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Công ty Điện lực Thái Bình hiện đang tiếp tục ứng dụng thực hiện đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống và quá trình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Anh Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hien-thuc-hoa-chuyen-doi-so-trong-ung-dung-cong-nghe-i754404/