Hiện thực hóa khát vọng phát triển, nỗ lực bứt phá để Thanh Hóa trở thành tỉnh 'kiểu mẫu'

Tiếp tục chương trình công tác tại Thanh Hóa, sáng 29/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thanh Hóa đất rộng người đông, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội. Với dân số đông thứ 3 cả nước, nguồn lực con người là tài nguyên quan trọng.

Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao thành quả phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX của Thanh Hóa.

Năm 2021, dù chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước, thu ngân sách bằng 93,6% đạt cao nhất từ trước đến nay, cho thấy sức khỏe nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực, đứng trong nhóm đầu cả nước; nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế cơ bản, nền tảng công nghiệp dần định hình, vừa mang tính chuyên sâu vừa có tính đa dạng, du lịch dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng giáo dục được nâng lên. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới và đạt kết quả tích cực; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Chủ tịch nước, kết quả này do sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần dám nghĩ, dám làm; đoàn kết, thống nhất, biến ý chí thành hành động.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế: Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự vững chắc và hài hòa, nhất là giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng, địa bàn, tính lan tỏa chưa cao. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô GDP cả nước. Thu ngân sách lớn, song khả năng tự chủ ngân sách còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập.

Lĩnh vực nông nghiệp năng suất lao động thấp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công không nhiều, công nghiệp có giá trị gia tăng nội địa thấp, vẫn thiếu những sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế và mang dấu ấn Việt Nam; phát triển du lịch còn nhiều hạn chế và nút thắt, tốc độ đô thị hóa chậm, thu nhập của người dân còn thấp, chất lượng giáo dục, đào tạo và y tế còn chưa cao.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Nhắc lại lời căn dặn của Bác lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa năm 1947 và chỉ còn 7 năm nữa Thanh Hóa kỷ niệm 1.000 năm danh xưng Thanh Hóa, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đề cao và hiện thực hóa những khát vọng phát triển, bứt phá toàn diện từ việc tăng nhanh quy mô nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường nhằm chăm lo cuộc sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân, để Thanh Hóa thực hiện được ước vọng của các bậc tiên liệt và của Bác Hồ, trở thành tỉnh “kiểu mẫu”.

Ủng hộ mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh tận dụng tốt các cơ chế đặc thù Trung ương đã tin tưởng trao cho, để khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá. Quy mô kinh tế đứng trong tốp 10 cả nước cho thấy vai trò quan trọng tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước và ngược lại.

Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh trên cơ sở tích hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… với tầm nhìn dài hạn. Xóa bỏ tư duy và tầm nhìn cục bộ địa phương, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Quy mô kinh tế đứng trong tốp 10 cả nước cho thấy vai trò quan trọng tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước và ngược lại.

Thanh Hóa cũng cần nỗ lực tối đa để cải thiện thứ hạng và nâng cấp môi trường kinh doanh của địa phương trong bối cảnh năm 2021 chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 3, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) vươn lên xếp thứ 14 cả nước, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Thanh Hóa giảm nhiều.

Chủ tịch nước lưu ý Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; tập trung nguồn lực, tránh dàn trải để đầu tư hình thành được một trường đại học có chất lượng cao, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tỉnh cần chắt chiu nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào một số cơ sở hạ tầng chuyên biệt; cởi mở về cơ chế, xóa bỏ các rào cản để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các tiện ích; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển quê hương, đất nước.

Trong giai đoạn hậu Covid-19, Thanh Hóa tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, tích cực triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, chú trọng bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính; nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về những kiến nghị của tỉnh như kêu gọi thu hút đầu tư, tăng cường biên chế, các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ, triển khai kịp thời.

TUẤN ANH – MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-phat-trien-no-luc-but-pha-de-thanh-hoa-tro-thanh-tinh-kieu-mau-post712688.html