Hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng!

Xung quanh vấn đề Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội để thấy rõ hơn về tầm nhìn cũng như khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Theo kinh nghiệm quốc tế, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như “người công binh mở đường”.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội để thấy rõ hơn về tầm nhìn cũng như khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Mục tiêu bao trùm của quy hoạch là lấy con người làm đối tượng trung tâm

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia được đánh giá là mang tính tích hợp, tổng hợp, bao quát chung. Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc quy hoạch tổng thể Quốc gia trong bối cảnh hiện nay?

- Quy hoạch tổng thể quốc gia đã mô hình hóa khát vọng đến năm 2050, Việt Nam là một nước hùng cường, thịnh vượng; là một trong những nước công nghiệp phát triển đứng hàng đầu châu Á. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

 Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường.

Trong quy hoạch tổng thể quốc gia lần này, vị thế và tiềm năng của kinh tế biển và không gian biển đã được đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh. Trong đó, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành mũi nhọn có sức cạnh tranh, có vị thế trên thế giới thông qua các lĩnh vực như hàng hải, vận tải biển, thủy hải sản và nguồn năng lượng sạch…

Từ đó, để tạo bước phát triển vượt trội của đất nước; vừa tạo ra những nét đặc sắc, độc đáo và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã chỉ ra việc hình thành nên các vùng kinh tế động lực đặc trưng, dẫn dắt cho sự phát triển của các vùng này. Trong đó, đặc biệt là hai vùng động lực có vai trò giống như đầu tàu để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đó là vùng Đồng bằng sông Hồng - có Thủ đô Hà Nội, được coi như một đầu tàu dẫn dắt cho sự phát triển phía Bắc. Và ở vùng Đông Nam Bộ có TP. Hồ Chí Minh được coi như cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế dẫn dắt sự phát triển ở phía Nam.

Quy hoạch cũng đã chỉ ra định hướng phát triển của các đô thị lớn để tạo sức hút, lan tỏa cho các vùng của đất nước.

Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, trung tâm văn hóa, khoa học, kỹ thuật hàng đầu đất nước mà còn là thành phố mang tầm quốc tế, với sứ mệnh kết nối toàn cầu; cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ tạo nên cực tăng trưởng cho khu vực phía Bắc.

TP. Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam mà còn trở thành trung tâm tài chính, thương mại và logistics tầm cỡ quốc tế.

TP. Đà Nẵng cũng sẽ trở thành trung tâm vừa là kết nối các giao dịch quốc tế, vừa tạo động lực lan tỏa cho phát triển của khu vực miền Trung.

TP. Cần Thơ cũng được xây dựng như một trung tâm hội tụ và lan tỏa cho sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã chỉ ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như xây dựng hệ thống đường cao tốc chạy dọc Bắc - Nam, phía Tây có sự kết nối liên thông, đường trên biển… cũng như phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam để kết nối các miền của đất nước; đồng thời đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị để giải quyết căn bản vấn đề giao thông công cộng trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để biến thành những đô thị văn minh, hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới…

+ Mục tiêu lớn nhất phát triển đất nước hùng cường là vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Vậy, trong quy hoạch, người dân được đặt ở vị trí, vai trò như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói, mục tiêu bao trùm của quy hoạch là lấy con người làm đối tượng trung tâm; hướng các mục tiêu vào phục vụ các điều kiện để phát triển đầy đủ, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam làm nền tảng sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước.

+ Việt Nam có lợi thế diện tích vùng biển rộng, bờ biển dài, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để khơi dậy, phát huy tối ưu tiềm năng kinh tế biển của đất nước?

- Trong quy hoạch tổng thể quốc gia lần này, vị thế và tiềm năng của kinh tế biển và không gian biển đã được đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh.

Trong đó, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành mũi nhọn có sức cạnh tranh, có vị thế trên thế giới thông qua các lĩnh vực như hàng hải, vận tải biển, thủy hải sản và nguồn năng lượng sạch…

+ Được biết, Giáo sư là người phụ trách tư vấn xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Theo ông, để hòa chung vào “bức tranh” quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khi quy hoạch Thủ đô Hà Nội chúng ta cần lưu ý những điểm nhấn quan trọng nào?

- Hà Nội với lợi thế có dòng sông Hồng - là cái nôi của nền văn minh lúa nước, gắn liền với sự phát triển dân tộc. Chúng ta xây dựng Hà Nội là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Việc quy hoạch để phát triển Hà Nội chính là tạo dựng diện mạo đại diện cho hình ảnh, vị thế quốc gia.

Theo đó, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia; là động lực, hình mẫu cho phát triển của các vùng trong cả nước; đồng thời cũng là nơi quy tụ những nguồn lực tinh hoa của đất nước; là trung tâm lan tỏa các giá trị cốt lõi văn hóa, lịch sử của con người Việt Nam, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến Thủ đô; là trung tâm về khoa học, giáo dục đào tạo, nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu cùng với đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu của đất nước và ngang tầm thế giới; tạo dựng kết nối toàn cầu.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Tăng trưởng bền vững phải gắn với ba “trục” kinh tế, xã hội và môi trường”

+ Thưa Phó Giáo sư, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, hạnh phúc thì cần đặc biệt lưu ý đến những trục tăng trưởng nào?

- Tôi cho rằng, tăng trưởng bền vững phải gắn liền với ba trục kinh tế, xã hội và vấn đề môi trường. Đó là mục tiêu cao nhất mà chúng ta hướng tới. Theo mục tiêu của Đảng ta đề ra, phấn đấu đưa Việt Nam phát triển đến năm 2030 tầm nhìn 2040 và đến 2050 thì chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam ở mức cao. “Chất lượng” ở đây bao gồm nội hàm đầy đủ hết, tức là mức sống cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Mục tiêu cao cả nhất của Đảng là đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân và chỉ có phát triển đất nước theo hướng bền vững mới đem lại điều đó, tức là không được bỏ qua hoặc thiếu một trong các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Kinh tế phát triển, người dân được hưởng các dịch vụ hiện đại của giáo dục, y tế, các chế độ phúc lợi xã hội được đảm bảo tốt, môi trường sống trong sạch. Con người được chăm lo phát triển toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

+ Là một nhà khoa học và cũng từng là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bà nghĩ sao về vấn đề phát triển công nghệ xanh và năng lượng tái tạo trong giai đoạn sắp tới?

- Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia. Trong phát triển kinh tế xanh phải lựa chọn khâu nào là khâu đột phá nhất. Với Việt Nam chúng ta, cần tập trung trên 2 lĩnh vực: Nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.

Tại sao chúng ta lại chọn nông nghiệp xanh? Bởi vì nông nghiệp chính là cứu cánh, là bệ đỡ cho phát triển trong những giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh đầu tư công nghiệp thì nông nghiệp vẫn là nguồn tăng trưởng chính GDP. Lý do thứ hai, 67% người dân Việt Nam vẫn sống ở nông thôn và phần lớn trong số đó sống bằng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ ở Hội nghị COP26 về xử lý vấn đề môi trường là sử dụng các năng lượng tái tạo, năng lượng xanh mà Việt Nam có lợi thế, như vậy mới giảm ô nhiễm môi trường và tăng trưởng bền vững. Tôi cho rằng, cần tập trung phát triển nông nghiệp xanh và sau đó tiếp tục đầu tư phát triển cho các lĩnh vực khác.

PGS.TS Phạm Huy Kỳ - nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): “Nền tảng quan trọng để hướng đất nước đến tương lai tốt đẹp hơn”

78 năm đã trôi qua, song thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là mốc son chói lọi, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, khát vọng về xây dựng đất nước có thể đã trải qua nhiều biến đổi và phát triển theo thời gian. Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể được coi là một nền tảng quan trọng để hướng đất nước đến tương lai tốt đẹp hơn.

Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới…

Có thể nói rằng, mục tiêu hàng đầu của hầu hết các quốc gia là đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển. Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể tập trung vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đầu tư trong các ngành công nghiệp chất lượng cao và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường quốc tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống. Khát vọng đạt được chất lượng cuộc sống cao hơn cho tất cả người dân có thể được thể hiện qua việc cung cấp dịch vụ công cộng tốt hơn, bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở và hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, một quốc gia phát triển cần có một nền văn hóa và giáo dục phát triển, đảm bảo việc truyền đạt giá trị và kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ sau. Chúng ta cũng thể hiện khát vọng xây dựng một môi trường thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, sẽ giúp đất nước duy trì sự cạnh tranh và thích nghi với sự biến đổi trong tương lai…

Tóm lại, khát vọng về đất nước có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội. Việc áp dụng quy hoạch tổng thể quốc gia có thể giúp định hướng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai và đạt được những khát vọng của nhân dân ta.

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-xay-dung-dat-nuoc-hung-cuong-thinh-vuong-post262407.html