Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Cách đây một năm, ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về 'Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Trân trọng sự quan tâm, kỳ vọng của trung ương và nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động, nghiêm túc tổ chức thực hiện nghị quyết. Khí thế thi đua, tinh thần vào cuộc quyết liệt với khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đã đem lại những kết quả rõ rệt.
Triển khai khẩn trương, nghiêm túc
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết.
Ngay tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ do Thường trực Ban Bí thư tổ chức ngày 22-6-2022, Hà Nội đã kết nối trực tuyến tới 700 điểm cầu từ thành phố xuống cơ sở. Nghị quyết cũng được triển khai đến 17.538 chi bộ trong toàn Đảng bộ thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo... Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ theo hình thức trực tuyến và trực tiếp (sân khấu hóa) cũng đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 1 triệu lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 về thực hiện nghị quyết thể hiện rõ tính “hành động” bằng các công trình, dự án cụ thể; coi đây là cẩm nang để tổ chức thực hiện, là căn cứ để các cấp, ngành xây dựng kế hoạch, dự án, công trình, đưa nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong đời sống Thủ đô. Đến nay, các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó, kế hoạch của UBND thành phố đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 20 chỉ tiêu cụ thể.
Định hình thế và lực mới
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị thực sự trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển về mọi mặt. Cụ thể hóa nghị quyết, Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế. Trong một năm qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065); xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô.
Đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển là sông Hồng; hồ Tây - Ba Vì; hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài và trục không gian phía Nam.
Còn trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến; nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa lúa nước của vùng Đồng bằng sông Hồng... Tất cả nhằm phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới xây dựng và phát triển Thủ đô.
Về Luật Thủ đô (sửa đổi), đến nay, thành phố đã thống nhất với các bộ, ngành về 9 nhóm chính sách để tập trung sửa đổi.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà Bộ Chính trị yêu cầu trong nghị quyết đã được Thành ủy Hà Nội hiện thực hóa. Nổi bật là, Hà Nội đã tập trung phát triển công nghiệp văn hóa nhằm cụ thể hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc. Kết quả là, đã có 85 di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Thành phố đã thực hiện hiệu quả các bước để triển khai dự án tái hiện Điện Kính Thiên và khởi công Đền thờ Ngô Quyền; tổ chức hàng trăm hoạt động văn hóa, thể thao, tạo động lực mới cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Xác định kết quả mấu chốt thực hiện Nghị quyết là nâng cao đời sống người dân, thành phố đã thông qua Kế hoạch đầu tư ưu tiên cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng… Thành ủy Hà Nội cũng đã thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; quyết liệt xử lý đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai...
Đặc biệt, thực hiện nội dung về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nêu trong Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, tổ chức cam kết tiến độ giữa 3 tỉnh, thành phố và 15 quận, huyện, thành phố thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên có dự án đi qua; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Đến nay, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 50% tổng diện tích và di dời hơn 60% tổng số mộ trong khu vực dự án trên địa bàn (dài 58,6km); dự kiến hoàn thành hơn 70% diện tích giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào ngày 30-6 tới.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thực hiện các quan điểm nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền gắn với thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị. Thành phố khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo; cá thể hóa trách nhiệm; không để xảy ra khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm; tạo đột phá về phân cấp, ủy quyền (thực hiện ủy quyền 708 thủ tục hành chính...).
Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc; đồng thời nêu cao tính nêu gương, vai trò trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.
Năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 29 tập thể. Thành ủy cũng đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống các quy định; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá cán bộ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Các cấp ủy Đảng đổi mới toàn diện các khâu của công tác cán bộ. Đảng bộ thành phố đã ứng dụng các phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, “Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng”; “Điều hành, tác nghiệp quản lý đảng viên” và “Sổ tay điện tử đảng viên”; thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng...
Những kết quả trên đây cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã vào cuộc chủ động, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản và khoa học; thể hiện rõ tinh thần gương mẫu và ý chí khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025, năm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra.