Hiện thực hóa mục tiêu
Hội nghị cấp cao 'Chân trời xanh' và sự kiện 'Race To Zero Dialogues' đang diễn ra đã khởi động các nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26). Tại các sự kiện quan trọng này, quan chức LHQ, giới đầu tư, doanh nghiệp kêu gọi và cam kết hành động nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Pa-ri ký năm 2015.
Hội nghị cấp cao “Chân trời xanh” và sự kiện “Race To Zero Dialogues” đang diễn ra đã khởi động các nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26). Tại các sự kiện quan trọng này, quan chức LHQ, giới đầu tư, doanh nghiệp kêu gọi và cam kết hành động nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Pa-ri ký năm 2015.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến phải hoãn việc tổ chức hội nghị COP 26 theo kế hoạch diễn ra tại Anh từ ngày 9-11 năm nay, song chuỗi chương trình về chống biến đổi khí hậu của LHQ tiếp tục được xúc tiến trong nỗ lực toàn cầu không để đại dịch gây ảnh hưởng tới cuộc chiến cam go này. Hội nghị cấp cao “Chân trời xanh” đã thu hút sự tham gia của Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.La-gác-đơ, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý đầu tư Blackrock của Mỹ L.Phinh, người đã cam kết quỹ đầu tư lớn nhất thế giới này sẽ ưu tiên vấn đề chống biến đổi khí hậu và giảm đầu tư vào các dự án than đá. Tại hội nghị, nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Microsoft Bin Ghết và giám đốc điều hành một số ngân hàng lớn cũng gia nhập nỗ lực thảo luận về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp hành động góp phần vào mục tiêu đưa khí phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tham vọng này, đòi hỏi một quá trình chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế, liên quan đến mọi doanh nghiệp, ngân hàng, công ty bảo hiểm, các nhà đầu tư và tạo ra cơ hội thương mại lớn nhất trong thời đại hiện nay.
Các doanh nghiệp có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi thông qua những sản phẩm đầu tư như “trái phiếu xanh” để tận dụng các dự án về khí hậu trên khắp thế giới. Việc tăng cường đổi mới đầu tư, cách thức hợp tác giữa các đơn vị tài chính tư nhân với chính phủ nhằm bảo đảm rằng tăng trưởng xanh được đánh giá vô cùng quan trọng trong việc vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, phát biểu khai mạc chương trình “Race To Zero Dialogues”, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét cảnh báo, thế giới đang rời xa mục tiêu trung hòa khí thải các-bon vào năm 2050, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa mục tiêu này trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc cùng hơn 110 nước khác đã đưa ra cam kết, trong khi Trung Quốc dự kiến đạt mục tiêu này vào năm 2060. Ðiều này đồng nghĩa số các nước chiếm 50% GDP toàn cầu và phát thải 50% lượng khí các-bon vào khí quyển đã tham gia cam kết. Trong khi đó, số các doanh nghiệp cam kết trung hòa khí thải các-bon cũng tăng gấp hơn hai lần trong một năm qua, lên hơn 1.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, thế giới khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra nếu không thúc đẩy hành động nhanh và thiết thực hơn, khi nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng cao.
Thực hiện cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiều quốc gia đã giảm sự hỗ trợ của nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và than đá. Tuy nhiên, thực tế, các kế hoạch kích thích kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của nhiều quốc gia được cho là sẽ tạo ra hàng tỷ USD “rót” vào các ngành khai thác nhiên liệu gây ô nhiễm. Theo báo cáo phân tích chung do ba tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu công bố mới đây, các quốc gia phát triển vẫn chi hơn 500 tỷ USD mỗi năm cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch dù họ cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), có ít nhất 170 tỷ USD ngân sách công của các nước này đã được cam kết đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch kể từ khi đại dịch bùng phát. Ưu tiên phục hồi kinh tế, chính quyền nhiều nước dường như không thực tâm thúc đẩy “phục hồi xanh” trong quá trình vực dậy nền kinh tế suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch. Trước thực trạng này, các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí phát thải, lại có khả năng hủy hoại những tiến bộ nhỏ nhoi mà họ đã đạt được trong việc loại bỏ trợ cấp các nhiên liệu gây ô nhiễm.
Các nhà lãnh đạo LHQ, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu hối thúc dùng Covid-19 làm “lực đẩy” để chuyển đổi sang kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) từng nhận định, đại dịch đã “đem đến cơ hội” có một không hai cho các chính phủ trong việc triển khai bước đi mạnh mẽ, mang tính thay đổi đối với đầu tư vào năng lượng sạch. Ðể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Pa-ri là các quốc gia trên thế giới kìm hãm tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 đến 20C, Tổng Thư ký LHQ hối thúc chính quyền các thành phố, các thể chế tài chính và doanh nghiệp tư nhân cần xây dựng kế hoạch chuyển giao hướng tới khí phát thải bằng 0, trước khi “cánh cửa cơ hội khép lại”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/hien-thuc-hoa-muc-tieu--624138/