Hiện thực hóa mục tiêu
Hội nghị cấp cao về Thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến do Hà Lan chủ trì mới đây đã nhận được cam kết của nhiều nước trong việc chung tay bảo vệ hành tinh xanh. Liên hợp quốc (LHQ) cũng hối thúc các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các cường quốc thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu Trái đất.
Hội nghị cấp cao về Thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến do Hà Lan chủ trì mới đây đã nhận được cam kết của nhiều nước trong việc chung tay bảo vệ hành tinh xanh. Liên hợp quốc (LHQ) cũng hối thúc các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các cường quốc thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu Trái đất.
Chương trình nghị sự về chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Pa-ri đang nhận được sự cổ vũ đáng khích lệ sau khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn có những động thái đầu tiên đưa quốc gia phát khí thải lớn thứ hai thế giới trở lại quỹ đạo nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết Oa-sinh-tơn sẽ nắm giữ vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu này. Theo đó, Tổng thống Mỹ đã ký loạt sắc lệnh hành pháp, bao gồm yêu cầu Bộ Nội vụ Mỹ ngừng cho thuê mới các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên các vùng đất và vùng biển công, đồng thời bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các giấy phép hiện hành về phát triển nhiên liệu hóa thạch. Ông cũng cam kết bảo tồn 30% diện tích đất và nước của liên bang đến năm 2030 và tìm cách tăng gấp đôi sản lượng điện gió ngoài khơi trong thời gian này. Các sắc lệnh còn đề cập kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở trị giá 2.000 tỷ USD mà tổng thống dự kiến trình Quốc hội vào tháng 2 tới. Vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ cũng đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri làm Đặc phái viên về khí hậu, đồng thời thông báo kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao về khí hậu giữa các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 4 tới.
Những động thái từ Tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông trong chống biến đổi khí hậu và khẳng định cam kết nước Mỹ dẫn đầu trong nỗ lực toàn cầu này. Các sắc lệnh mới của ông đã nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức hoạt động vì môi trường. Ông G.Mo-tơn thuộc công ty cố vấn về khí hậu Pollination cho rằng, chính sách này cho thấy ứng phó biến đổi khí hậu sẽ là ưu tiên và trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ này của chính quyền Mỹ. Trước những chuyển biến tích cực đó, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét đã đề nghị Trung Quốc và Mỹ hợp tác hành động vì khí hậu. Tổng Thư ký Gu-tê-rét cũng bày tỏ hy vọng Mỹ và Nga sẽ tích cực tham gia Hội nghị về chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 của LHQ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, đồng thời tiến tới mục tiêu trung hòa khí thải các-bon một cách nhanh nhất có thể.
Hội nghị cấp cao do Hà Lan tổ chức mới đây là sự kiện đầu tiên tập trung vào các hậu quả của biến đổi khí hậu. Các cuộc thảo luận xoay quanh cách thức làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của các quốc gia trước hiện tượng nước biển dâng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lương thực. Thủ tướng Hà Lan, quốc gia có một phần ba lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ đất đai. Tổng thống Ác-hen-ti-na kêu gọi các nước phát triển cần tăng cường cam kết trong việc cung cấp các nguồn lực kỹ thuật và tài chính. Quốc gia này đã đề ra mục tiêu mới tham vọng hơn, theo đó đến năm 2030 sẽ giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức 25,7%... Các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Bai-đơn đang đưa nước Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong thực hiện mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu. Ông Bai-đơn đã cam kết từng bước chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp khác nhằm đạt mục tiêu giảm lượng khí phát thải các-bon xuống bằng 0 trong ngành điện vào năm 2035 và của toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050. Trong khi đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ G.Ke-ri khẳng định Oa-sinh-tơn sẽ thực hiện các cam kết tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng thống nhất mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030. Trung Quốc đưa ra mục tiêu tham vọng hơn với việc giảm phát thải khí các-bon đi-ô-xít trước năm 2030 và đạt cân bằng các-bon trước năm 2060.
Mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 tại các chương trình nghị sự của LHQ là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải các-bon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá các-bon, mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo. Với việc các cường quốc phát khí thải hàng đầu thế giới và nhiều quốc gia khác tăng cường hành động nhằm thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải, thế giới hy vọng có thể làm được nhiều hơn trong theo đuổi các mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/hien-thuc-hoa-muc-tieu-633935/