Hiện thực hóa mục tiêu ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

Để hiện thực hóa Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, theo các chuyên gia cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2

Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Nhờ đó, cho đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030” diễn ra ngày 19/10/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân KCN tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, 3 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 3 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đã tổ chức 2 hội nghị toàn quốc liên quan đến chủ đề này.

Trong đó, để tháo gỡ các khó khăn của thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số các bộ, ngành đã ban hành một số chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành tác động đến lĩnh vực bất động sản, cụ thể: Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023 về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/05/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua mới đây cũng đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai nhanh, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030.

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội nói chung và hiện thực hóa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030" nói riêng, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để hiện thực hóa Đề án này, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm đối với từng địa phương, từng lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở. Cần đảm bảo quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN ổn định dài hạn, đảm bảo việc xây dựng và phát triển thành các khu đô thị phù hợp, có đầy đủ các cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông thuận tiện. Nếu có điều chỉnh các quy hoạch vùng, khu vực của cấp trên cần cân nhắc, tính toán ngay các quy hoạch của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN có liên quan, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án theo từng chủ thể, từng lĩnh vực; nắm bắt và xác định rõ các nguyên nhân các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc vượt quá thẩm quyền để đề xuât với các cơ quan liên quan, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để có các biện pháp cơ cấu lại toàn bộ thị trường BĐS, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, tới đây, cần đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư phù hợp; bàn giao mặt bằng “sạch” trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các KCN để rút ngắn thời gian chuẩn bị, giảm chi phí cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cần cụ thể hóa, chi tiết hóa và hướng dẫn đầy đủ về các thủ tục, các quy trình để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dễ dàng tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước khi thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chính phủ cũng cần xác định rõ để các địa phương, ban ngành hỗ trợ tới mức tối đa cho các chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, trong khởi công xây dựng dự án.

Chính phủ, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng xác định rõ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ của 4 ngân hàng lớn, nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm và kích cầu nhu cầu mua bán BĐS. Đồng thời, cần thực hiện truyền thông rộng rãi các gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho các đối tượng ưu tiên đang đươc Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hien-thuc-hoa-muc-tieu-it-nhat-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-giai-doan-2021-2030.html