Hiện thực hóa mục tiêu trở thành kho bạc số
Trong xu thế chung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ đề ra, Kho bạc Nhà nước đặt ra mục tiêu trở thành kho bạc số trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cả hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cùng vào cuộc, sẵn sàng vươn tới kho bạc số.
Tập trung đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu điện tử
Ông Trần Quân - Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, để tạo nền tảng vững chắc cho kho bạc số, KBNN đã đưa ra những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.
Theo đó, trước mắt trong năm 2022, toàn hệ thống tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết.
Đồng thời, các đơn vị KBNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng và triển khai cổng dữ liệu đáp ứng quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông qua dịch vụ công trực tuyến; gia tăng các tiện ích cho người sử dụng. Bên cạnh đó, KBNN tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án, nhiệm vụ hiện đại hóa CNTT trong toàn hệ thống. Còn về lâu dài, KBNN sẽ hoàn thiện các ứng dụng đã có nhằm củng cố hoàn thiện kho bạc điện tử, đồng thời xây dựng các bài toán hướng tới hình thành kho bạc số.
Kho bạc Nhà nước Cà Mau tinh gọn bộ máy, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt để tiến tới kho bạc số. Ảnh: KBNN Cà Mau
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng giám đốc KBNN lưu ý toàn hệ thống cần tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết, liên thông dữ liệu điện tử với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở, đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.
Giai đoạn 2026 - 2030, KBNN tập trung thực hiện liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng tới hình thành kho bạc số đầy đủ.
Tạo đà để tiến nhanh về đích
Năm 2022 là năm đầu KBNN triển khai thực hiện bản “Kiến trúc tổng thể hướng tới kho bạc số”, theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN được KBNN ban hành ngày 4/6/2021. Bản kiến trúc tổng thể này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là “nền móng” để hệ thống KBNN tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030.
Để cùng cả hệ thống tiến nhanh về đích trong giai đoạn phát triển mới, bà Phạm Thị Hồ Lan - Giám đốc KBNN Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã có những bước khởi động từ việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, số hóa các giao dịch thu, chi NSNN. Đặc biệt, KBNN Khánh Hòa sẽ thực hiện đào tạo, quy hoạch, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ; sẵn sàng triển khai các ứng dụng CNTT của KBNN.
Các nền tảng ứng dụng giúp kho bạc nhà nước “về đích”
Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong quá trình xây dựng Kho bạc điện tử, hệ thống KBNN đã triển khai vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin lớn như: Tabmis; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng; phối hợp thu ngân sách với ngân hàng; kho dữ liệu. Cùng với đó là ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động; tổng kế toán nhà nước để tổng hợp và kết xuất báo cáo tài chính nhà nước; hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước và quản lý trái phiếu chính phủ phát hành theo lô lớn; các hệ thống giúp hiện đại hóa hoạt động nội ngành. Trên nền tảng các ứng dụng này, KBNN đang tiếp tục mở rộng và phát triển trong thời gian tới giúp các mục tiêu của KBNN sớm thành hiện thực.
Ông Trần Phước Tào - Giám đốc KBNN Quảng Nam cho biết, thời gian qua, KBNN Quảng Nam đã nỗ lực rà soát, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001:2015, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ hiện đại vào các quy trình, hoạt động nghiệp vụ KBNN trên địa bàn như: dịch vụ công trực tuyến; thanh toán song phương điện tử; thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng; phối hợp thu với ngân hàng; quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN…
Tại KBNN Hải Dương, để khởi động tiến trình hình thành kho bạc số, đơn vị đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Tại văn phòng KBNN tỉnh đã giảm từ 10 phòng xuống còn 5 phòng. Tại KBNN huyện đã xóa bỏ ranh giới các tổ để chuyển sang chế độ làm việc linh hoạt, hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Phúc Uyên - Phó Giám đốc KBNN Hải Dương, đơn vị đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ các quy định hoạt động nghiệp vụ. Các thủ tục trong thu NSNN đã giản lược rất nhiều. Người thực hiện nghĩa vụ NSNN rất thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi, bằng các phương thức thu nộp hiện đại, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại hoặc trực tiếp tại KBNN.
Đặc biệt, KBNN Hải Dương đã triển khai 9 thủ tục hành chính ở mức độ 4 (2 thủ tục thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả thu NSNN; 4 thủ tục thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN và 3 thủ tục thuộc lĩnh vực mở và sử dụng tài khoản). Bước đột phá này giúp các đơn vị giao dịch có thể thanh toán, chuyển rút tiền với KBNN mọi lúc, mọi nơi thuận lợi và an toàn. Thời hạn xử lý hồ sơ không quá 2 ngày…