Hiện thực hóa ước mơ về nhà ở cho hộ nghèo
Với sự chung tay, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, gia đình người có công trên địa bàn huyện Thuận Châu có chỗ ở kiên cố, khang trang. Những ngôi nhà mới được hoàn thiện giúp các hộ có nơi ở ổn định, mở ra cơ hội để họ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu thăm hỏi gia đình anh Lò Văn Tư, bản Nà Cang.
Dọn vào nhà mới ở gần 1 tháng nay, vợ chồng anh Lò Văn Tư, bản Nà Cang, xã Thôn Mòn vẫn cảm thấy đây như là một giấc mơ. Qua câu chuyện với vợ chồng anh chúng tôi được biết, trước đây, gia đình anh ở ngôi nhà sàn cũ, chật hẹp đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà, gia đình anh còn được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Căn nhà rộng khoảng 100m2 sau gần 2 tháng thi công đã được đưa vào sử dụng; tổng kinh phí 235 triệu đồng. Anh Tư phấn khỏi nói: Ước mơ xây dựng được ngôi nhà kiên cố bao năm nay của gia đình đã trở thành hiện thực. Có nơi ở ổn định, gia đình tôi tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Lường Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, cho biết: Xã có 1.461 hộ, trong đó có 8,49% số hộ nghèo, gần 9% số hộ cận nghèo. Qua rà soát, xã còn 19 hộ đang ở nhà tạm, dột nát. Đảng ủy xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn về nhà ở; huy động hơn 200 người tham gia hỗ trợ ngày công xây dựng, vận chuyển vật liệu. Đến ngày 21/3, xã đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 19 hộ; 100% các hộ đã được giải ngân theo đúng quy định.
Thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Thuận Châu đã tổ chức rà soát các đối tượng; thành lập Ban chỉ đạo và 8 tổ công tác để đôn đốc, triển khai thực hiện tại các xã. Qua rà soát, huyện có 385 nhà dột nát, nhà tạm, trong đó, xây mới 317 nhà, sửa chữa 68 nhà; tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Đảm bảo hoàn thành kế hoạch, huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo; vận động các tổ chức xã hội, các đoàn thể, nhân dân hỗ trợ vật tư, ngày công giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở; huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ, để giảm giá thành xây dựng, sửa chữa nhà ở...
Điểm đáng ghi nhận trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với những hộ nghèo khó khăn về kinh phí, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các gia đình được vay vốn xóa nhà tạm.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Thuận Châu thăm hỏi, động viên hộ nghèo được xóa nhà tạm xã Phổng Ly.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn cân đối nguồn ngân sách, tiết kiệm 5% chi thường xuyên hằng năm; khai thác nguồn lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ. Các xã chủ động ứng vật liệu ở các cửa hàng để giúp hộ dân đảm bảo tiến độ. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sức lan tỏa để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân cùng ủng hộ, chia sẻ, chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện, chia sẻ: Với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, để xây mới hay sửa chữa nhà ở là điều dường như không thể. Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát như một bệ phóng, mang đến niềm tin, hy vọng để họ có được mái ấm trọn vẹn. Việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở không chỉ góp phần xóa bỏ nhà tạm, dột nát mà còn nâng cao ý thức của người dân về việc xây dựng nếp sống văn minh, ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tổ công tác xóa nhà tạm xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm bản Heo Trại.
Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” đến ngày 16/4, huyện Thuận Châu đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 384/385 nhà (có 1 nhà không thực hiện do đã mua được nhà mới), sớm hơn 14 ngày so với kế hoạch đề ra. Các ngôi nhà hoàn thành đưa vào sử dụng có diện tích từ 35 -100m2; đảm bảo 3 cứng “ nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng” và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên; phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện mỗi hộ gia đình.
Những ngôi nhà vững chãi được dựng lên sẽ trở thành chỗ dựa, tiếp thêm động lực để các hộ phấn đấu, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, là điều kiện để đổi thay diện mạo nông thôn mới của huyện.