Hiện trạng Vietnam Airlines ra sao trước khi được 'giải cứu'?

Lỗ lũy kế gần 8.900 tỷ, dòng tiền kinh doanh âm gần 6.300 tỷ đồng cho thấy hãng hàng không lớn nhất Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước thời điểm được 'giải cứu'.

Quốc hội mới đây đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các TCTD đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn. Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định.

Đây là 2 trong số những giải pháp quan trọng nhất với Vietnam Airlines thời điểm này khi phần lớn hoạt động kinh doanh của hãng đang gặp khó khăn dẫn tới tình trạng thua lỗ nặng và khó khăn dòng tiền.

Hiện trạng Vietnam Airlines

Với 61 đường bay quốc tế đến 33 điểm thuộc 18 quốc gia và vùng lãnh thổ (cuối năm 2019), Vietnam Airlines là hãng hàng không trong nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc hạn chế di chuyển giữa các quốc gia do tác động của dịch bệnh.

Theo báo cáo tài chính mới nhất (quý III/2020), hoạt động kinh doanh khó khăn đang đẩy hãng hàng không này rơi vào bức tranh tài chính u ám.

 Là hãng bay kinh doanh chính ở đường bay quốc tế nên Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 từ đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Là hãng bay kinh doanh chính ở đường bay quốc tế nên Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 từ đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, 3 tháng quý III năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines – mẹ, Pacific Airlines, VASCO và các công ty con phụ trợ) đạt hơn 7.600 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu giảm mạnh trong khi tỷ lệ giá vốn/doanh thu tăng khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 3.200 tỷ đồng quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi xấp xỉ 3.300 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí khác, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam lỗ sau thuế 3.997 tỷ đồng quý III (cùng kỳ lãi 1.132 tỷ).

Tính trong 9 tháng từ đầu năm, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt được là 32.564 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Đây cũng là doanh thu 9 tháng thấp nhất mà hãng hàng không này ghi nhận được trong gần một thập niên trở lại đây.

3 quý lỗ ròng liên tiếp cũng khiến Vietnam Airlines lỗ sau thuế tổng cộng 10.676 tỷ đồng sau 9 tháng. Đặc biệt, lỗ sau thuế của công ty mẹ - Vietnam Airlines là 10.472 tỷ đồng.

Khoản lỗ ròng hơn chục nghìn tỷ kể trên đã xóa sạch thành quả 5 năm trước đó của hãng hàng không này khi tổng lợi nhuận giai đoạn 2015- 2019 mới đạt 10.380 tỷ.

Tính đến cuối tháng 9, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines ở mức 8.874 tỷ, từ đó khiến vốn chủ sở hữu giảm từ hơn 18.600 tỷ đầu năm xuống 6.600 tỷ đồng tại ngày 30/9.

Không chỉ kết quả kinh doanh xuống thấp, năng lực tài chính của hãng hàng không này cũng giảm đáng kể do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Ngoài việc vốn chủ sở hữu giảm mạnh, thay đổi nói trên khiến tổng tài sản – nguồn vốn của Vietnam Airlines đến cuối tháng 9 giảm hơn 18% so với đầu năm, còn 62.370 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu giảm cũng khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tăng từ 3,1 hồi đầu năm lên hơn 8,4 lần hiện tại. Trong đó, riêng số nợ phải trả có phát sinh lãi suất (vay và nợ thuê tài chính)/vốn chủ sở hữu đã là 5,3 lần.

Tính đến 30/9, Vietnam Airlines có hơn 35.000 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó bao gồm gần 11.700 tỷ vay ngắn hạn và 23.300 tỷ đồng vay dài hạn.

Vì sao cần bổ sung vốn cho Vietnam Airlines?

Hoạt động kinh doanh thua lỗ, nguồn tiền mặt của Vietnam Airlines cũng giảm mạnh thời gian qua từ 1.743 tỷ hồi đầu năm xuống còn hơn 802 tỷ cuối ngày 30/9.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của hãng cũng ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng âm gần 6.300 tỷ, trong khi cùng kỳ dương 7.900 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh, Vietnam Airlines buộc phải dùng dòng tiền từ hoạt động tài chính (chủ yếu là vay nợ) bù đắp. Trong 9 tháng qua, hãng hàng không này vay tổng cộng 18.794 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, duy trì hoạt động kinh doanh, ngược lại hãng cũng trả gần 13.000 tỷ đồng tiền nợ gốc vay trong kỳ.

Tuy nhiên, việc thua lỗ liên tiếp cùng hệ số nợ vay tăng cao khiến dòng tiền vay của Vietnam Airlines ngày càng hạn chế. Đây là lý do Quốc hội phải cho phép NHNN tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho các TCTD để cho Vietnam Airlines vay lại, bổ sung vốn.

Đặc biệt, việc cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ không chỉ giúp Vietnam Airlines bổ sung ngay lập tức hàng nghìn tỷ vốn kinh doanh mà còn giúp hãng kéo giãn hệ số vay nợ/vốn doanh nghiệp để tiếp cận dòng vốn tín dụng lớn hơn.

Trước đó, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết cơ quan này đã có thời gian thực hiện sở hữu vốn tại hãng hàng không Jetstar Pacific (hiện thuộc Vietnam Airlines) nên nhìn chung SCIC cũng có kinh nghiệm trong việc đầu tư vào hàng không.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang cần khoảng 12.000 tỷ, trong đó phương án đề xuất ngân hàng cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ và 8.000 tỷ đồng sẽ huy động từ cổ đông hiện hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang sở hữu khoảng 86% cổ phần của Vietnam Airlines, tương đương cần khoảng 6.800 tỷ đồng để mua số cổ phần phát hành thêm tương ứng. Theo ông Tùng, số tiền này đã được SCIC chuẩn bị, có thể thực hiện ngay mà không gặp khó khăn nào nếu được Chính phủ cho phép.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hien-trang-vietnam-airlines-ra-sao-truoc-khi-duoc-giai-cuu-post1155025.html