Hiện tượng 'biển sữa' hiếm gặp lần đầu tiên được chụp cận cảnh
Hiện tượng 'biển sữa' được cho là chỉ xuất hiện 2 lần mỗi năm.
Hiện tượng “biển sữa” bí ẩn lần đầu tiên được ghi hình cận cảnh bởi thủ thủy đoàn trên du thuyền ở biển Đông Ấn Độ Dương. Khi các thủy thủ trên du thuyền Ganesha đang đi vòng quanh Trái Đất vào năm 2019, họ nhận thấy nước biển xung quanh tàu chuyển sang màu trắng và giống như thể chiếc thuyền đang ở trên mặt tuyết. Bức ảnh được công bố trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences) vào đầu tháng 7 vừa qua.
Thủy thủ đoàn chụp lại hiện tượng bằng camera GoPro và Samsung Galaxy S9 . Máy ảnh GoPro ghi lại một hình ảnh cực kỳ nhiễu, nhưng cho thấy cảnh tượng như một cánh đồng tuyết dẫn đến đường chân trời. Galaxy S9 mang lại kết quả tốt hơn, với chất phát quang dịu nhẹ khác biệt phát ra từ nước. Đáng tiếc là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không có mặt trên tàu.
Thủy thủ đoàn mô tả màu sắc của biển giống như “ánh sao dạ quang dán tường, một ánh sáng rất dịu nhẹ cho đôi mắt”, PNAS đưa tin.
Bên cạnh hai hình ảnh không chỉnh sửa từ camera, một ảnh được chỉnh sửa để mô tả hiện tượng theo cách giống với mắt người nhìn thấy nhất cũng đã được tung ra.
Thuyền trưởng Lemmens cho rằng ánh sáng bắt nguồn từ độ sâu -10 mét dưới bề mặt nước biển.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Colorado do giáo sư Stephen Miller dẫn đầu đã tung ra ảnh vệ tinh của hiện tượng biển sữa vào thời điểm tàu Ganesha đi qua.
Biển sữa chỉ xuất hiện hai lần một năm, và đôi khi hoàn toàn không xuất hiện. Cho đến nay, sự kiện hy hữu chỉ được mô tả bằng lời truyền miệng của những người đi biển, theo Miller.
Theo dữ liệu vệ tinh, du thuyền Ganesha đang đi gần Indonesia vào thời điểm đó, được cho là đã đi qua một vùng biển sữa trải dài hơn 100.000 km vuông.
Hiện tượng biển sữa do vi khuẩn phát quang sinh học hiếm gặp gây ra, thay vì phát sáng màu xanh dương hoặc xanh lá cây rõ ràng, chúng lại phát sáng thiên về màu trắng đục. Các giả thuyết hiện tại dự đoán sự phát sáng hiếm có này có thể là do mối quan hệ hoại sinh (ăn chất hữu cơ đang phân hủy) giữa vi khuẩn phát sáng và một loài vi tảo trên quy mô lớn.
Theo tài liệu được công bố trên PNAS, khi thủy thủ đoàn lấy một xô nước biển trắng đục và khuấy nó, ánh sáng tối dần. Các chất phát quang sinh học khác thường sáng hơn khi bị tác động.
Các nhà khoa học chưa biết lý do tại sao lại có sự trái ngược này. Họ hy vọng các hình ảnh này có thể giúp đỡ cho những nghiên cứu trong tương lai.