Hiện tượng lo âu của con người hiện đại
Theo nhà phân tâm học người Đức Erich Fromm, những nguyên nhân khiến con người e sợ sự tự do, lo lắng và sẵn lòng trở thành người máy không những vẫn còn mà tiếp tục gia tăng lên rất nhiều.
Tự do là đích ngắm mà mọi người đều hướng đến, và nhiều khi người ta phải đấu tranh để giành lấy nó. Tuy nhiên, trong cuốn Trốn thoát tự do (một phần trong công trình nghiên cứu khái quát về cấu trúc tính cách của con người hiện đại và những vấn đề về tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội nhà phân tâm học người Đức Erich Fromm) lại nêu những nguyên nhân khiến con người e sợ tự do.
Những lo âu khiến con người e sợ sự tự do
Tác giả sách cho rằng sau nhiều thế kỷ đấu tranh, con người đã thành công trong việc tạo ra một kho của cải vật chất khổng lồ; xây dựng xã hội dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, đã thành công trong việc bảo vệ mình trước những âm mưu độc tài mới.
Tuy nhiên con người hiện đại vẫn đầy rẫy hoang mang và bị đủ các kiểu độc tài xúi giục từ bỏ tự do, hoặc đánh mất tự do bằng cách biến bản thân mình thành một bánh răng nhỏ trong cỗ máy, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng không phải là một con người tự do mà là một con robot.
Những nguyên nhân khiến con người e sợ sự tự do, khiến con người lo lắng và sẵn lòng trở thành một người máy, không những vẫn còn mà tiếp tục gia tăng lên rất nhiều.
Sự kiện quan trọng nhất ở phương diện này là việc khám phá ra năng lượng nguyên tử và có thể sử dụng nó như một vũ khí hủy diệt. Trước đó chưa bao giờ trong lịch sử, nhân loại lại đối mặt với sự hủy diệt hoàn toàn, ít nhất là bằng sản phẩm sinh ra từ chính đôi tay mình. Ngoài ra, những vũ khí hủy diệt vẫn tồn tại, những nút bấm vẫn ở đó và nỗi hoang mang, bất lực chưa bao giờ mất đi.
Bên cạnh cách mạng mạng hạt nhân, tại các quốc gia công nghiệp phát triển nhiều nỗi bất an mới xuất hiện, bắt đầu từ nguy cơ thất nghiệp ngày càng gia tăng; con người cảm thấy nhỏ bé, không chỉ trước hiện thực tồn tại những tập đoàn khổng lồ mà còn là sự phát triển của công nghệ.
Một nguy cơ khác đã gia tăng hơn là giảm bớt: bùng nổ dân số. Ngày nay, những sản phẩm tiến bộ của nhân loại - những thành tựu y học - đã dẫn tới gia tăng dân số, nhất là ở những quốc gia kém phát triển, với tốc độ nhanh chóng đến mức sản xuất vật chất khó lòng theo kịp.
Các thế lực khổng lồ trong xã hội và nguy cơ đe dọa sự tồn tại của con người đã gia tăng trong thời gian qua, và bởi vậy chúng ta có xu hướng chạy trốn tự do, dù cho động lực tìm kiếm tự do là cố hữu trong bản chất con người.
Sự bất an của cá nhân bị cô lập khiến con người muốn từ bỏ tự do
Ngoài những những nguyên nhân khiến con người e sợ tự do, Erich Fromm còn chỉ ra những yếu tố bên trong tính cách của con người hiện đại, khiến anh ta muốn từ bỏ tự do.
Theo ông, tự do không đơn thuần là chịu sự áp lực từ bên ngoài mà còn là những yếu tố tâm lý và sự tương tác của nó đối với các ý thức hệ trong tiến trình xã hội.
Phân tích của cuốn sách này đưa ra dựa trên giả định rằng vấn đề mấu chốt của tâm lý học là kiểu liên kết riêng biệt của cá nhân đối với thế giới, và thực sự không nằm ở việc có hay không thỏa mãn hoặc làm bức bối nhu cầu này hay nhu cầu khác của bản năng.
Nhưng nhu cầu được quy định về mặt sinh lý không chỉ là phần bắt buộc duy nhất trong bản chất con người. Có một phần khác cũng thúc ép không kém, nó bắt nguồn từ sự phát triển của thể chất nằm trong chính phương thức và thực tiễn đời sống của con người: nhu cầu được kết nối với thế giới bên ngoài, nhu cầu chống lại sự cô đơn. Cảm giác hoàn toàn cô độc và tách biệt dẫn tới sự suy sụp về tinh thần, giống sự đói khát về mặt thể chất.
Cũng theo tác giả, một yếu tố quan trọng là con người không thể sống mà không có chút liên hệ gì với người khác. Trong bất kỳ một loại hình văn hóa nào có thể hình dung được, con người cũng cần được hợp tác với người khác nếu muốn tồn tại, dù với mục đích tự bảo vệ bản thân chống lại kẻ thù hay trước một mối nguy hiểm của tự nhiên.
Một yếu tố khác là sự tự nhận thức về bản thân của con người và khả năng đó con người hiểu rằng mình tách biệt với thế giới tự nhiên và người khác, bằng ý thức, thậm chí rất mơ hồ về cái chết, bệnh tật, tuổi già, con người chắc chắn cảm thấy sự vô nghĩa và nhỏ bé khi so sánh anh ta với vũ trụ hay với ai đó.
Từ việc phân tích những yếu tố động năng trong tính cách của con người hiện đại, khiến anh ta muốn từ bỏ tự do, tác giả sách đã chỉ ra cơ chế trốn thoát xuất phát từ sự bất an của cá nhân bị cô lập.
Cơ chế đầu tiên để thoát khỏi tự do là xu hương xóa bỏ sự độc lập của cái tôi và hợp nhất bản ngã của ai đó hoặc điều gì đó bên ngoài bản thân mình. Thứ hai là trốn thoát cảm giác bất lực của mình bằng trong tương quan với thế giới bằng cách tiêu diệt nó.
Theo tác giả sách, mặc dù đây không phải là một giải pháp dẫn tới hạnh phúc và tự do tích cực, về cơ bản nó là giải pháp được tìm thấy trong hiện tượng rối loạn thần kinh chức năng. Nó xoa dịu nỗi lo lắng không thể chịu đựng nổi và khiến cuộc sống này dễ thở hơn bằng cách né tránh sự hoang mang sợ hãi.
Minh Châu