Hiện tượng tẩy trắng ảnh hưởng hơn 50% số rạn san hô tại Malaysia
Hơn 50% số rạn san hô ở các công viên biển của Malaysia đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng.
Cục Thủy sản Malaysia đã đưa ra thông báo trên ngày 23/6, sau khi tiến hành nghiên cứu từ tháng 4-6.
Trong một tuyên bố, cơ quan trên hối thúc các công ty lữ hành kiểm soát số lượng du khách tham gia các hoạt động giải trí để giảm áp lực đối với các rạn san hô.
Nếu diện tích rạn san hô bị tẩy trắng lớn hơn 80%, Cục Thủy sản có thể thực hiện thêm các biện pháp can thiệp, trong đó có việc tạm thời hạn chế tiếp cận các rạn san hô.
Nhà chức trách cũng dự kiến lập một ủy ban gồm nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và đại diện các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo để đối phó với hiện tượng tẩy trắng san hô.
Malaysia có nhiều điểm lặn ngắm san hô nổi tiếng và hệ sinh vật biển phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực của quốc gia Đông Nam Á này được công nhận là công viên biển.
San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo sống trong mô của chúng và cung cấp nguồn thức ăn chính cho chúng.
Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô đẩy tảo ra ngoài. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng. Nhiệt độ đại dương tăng cao kỷ lục khiến nhiều rạn san hô tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chuyển thành màu trắng.
Hiện tượng bất thường này không chỉ ảnh hưởng xấu đến “sức khỏe” của đại dương, mà còn tác động mạnh đến sinh kế của người dân, an ninh lương thực và nền kinh tế của địa phương.