Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư: Ảnh hưởng là gì?
Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư được ghi nhận trong lịch sử do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.
Hơn một nửa rạn san hô toàn cầu bị tẩy trắng
Hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua, ảnh hưởng đến ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm các vùng rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, theo tuyên bố chung của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI).
Derek Manzello, điều phối viên chương trình Theo dõi rạn san hô của NOAA, cho biết: "Có khả năng đợt tẩy trắng san hô lần này sẽ sớm vượt qua mức đỉnh 56,1% trước đó. Tỷ lệ các khu vực rạn san hô gặp căng thẳng nhiệt độ tẩy trắng đã tăng khoảng 1% mỗi tuần".
Quá trình tẩy trắng được kích hoạt bởi sự bất thường về nhiệt độ nước khiến các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của san hô bị thải ra ngoài. Nếu không có sự giúp đỡ của tảo trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô thì san hô không thể tồn tại.
Đây là sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư từng được ghi nhận trên thế giới và lần thứ hai chỉ trong 10 năm qua, sau các sự kiện trước đó vào năm 1998, 2010 và giữa năm 2014 - 2017.
Trong năm qua, san hô tẩy trắng hàng loạt đã được xác nhận ở các khu vực bao gồm Florida và vùng Caribe rộng lớn hơn, Mexico, Brazil, Úc, Nam Thái Bình Dương, Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư, Indonesia và Ấn Độ Dương bao gồm bờ biển phía đông châu Phi và Seychelles.
Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg, một nhà khoa học khí hậu chuyên về các rạn san hô có trụ sở tại Đại học Queensland ở Úc, đã dự đoán sự kiện tẩy trắng hàng loạt này từ nhiều tháng trước.
Ông nói với CNN hôm 15/4: "Chúng tôi biết nhiệt độ nước biển đang tăng nhanh, nhưng không ngờ lại ở mức độ này. Vấn đề đáng lo ngại là chúng ta không biết sự thay đổi nhiệt độ lớn này có thể kéo dài bao lâu".
Nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng nhiều rạn san hô trên thế giới sẽ không thể phục hồi sau sức nóng gay gắt và kéo dài. Sự kiện tẩy trắng toàn cầu năm nay càng làm tăng thêm mối lo ngại của các nhà khoa học rằng san hô đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
12 tháng vừa qua là thời điểm nóng nhất hành tinh được ghi nhận và nhiệt độ đại dương đã tăng kỷ lục. Theo dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban châu Âu, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3.
Vai trò của san hô là gì?
San hô là quần thể các sinh vật biển không xương sống. Chất tiết canxi cacbonat của chúng tạo thành lớp bảo vệ cứng, đóng vai trò là ngôi nhà của nhiều loài tảo đơn bào đầy màu sắc.
Tảo và san hô đã tiến hóa qua nhiều thiên niên kỷ để tồn tại cùng nhau. San hô cung cấp nơi trú ẩn cho tảo, trong khi tảo loại bỏ các hợp chất thải của san hô, đồng thời cung cấp năng lượng và oxy trở lại vật chủ của chúng.
Các rạn san hô chiếm chưa đến 1% đáy đại dương nhưng lại mang lại lợi ích to lớn cho các hệ sinh thái biển. 25% sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô để trú ẩn, tìm kiếm thức ăn hoặc sinh sản. Nghề cá ven biển sẽ phải gặp khó khăn nếu không có san hô.
Ngoài ra, san hô cũng đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế biển. Theo ước tính năm 2020 của Mạng lưới Giám sát Rạn san hô Toàn cầu (GCRMN), hàng năm, các rạn san hô cung cấp khoảng 2,7 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, từ du lịch đến bảo vệ bờ biển. Khoảng 36 tỷ USD được tạo ra nhờ hoạt động du lịch lặn biển ngắm san hô.
Các rạn san hô cũng giúp ích cho cộng đồng ven biển bằng cách hình thành hàng rào bảo vệ chống lại nước dâng do bão và sóng lớn. Điều này giúp tránh thiệt hại về tài sản cho hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, theo một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Marine Policy cho thấy.
Có thể làm gì để cứu lấy rạn san hô bị tẩy trắng?
San hô có thể sống sót sau sự kiện tẩy trắng nếu vùng nước xung quanh mát hơn và tảo quay trở lại. Các nhà khoa học tại Trung tâm Rạn san hô Quốc tế Palau ước tính phải mất ít nhất 9 - 12 năm để các rạn san hô phục hồi hoàn toàn sau các đợt tẩy trắng hàng loạt, theo nghiên cứu được công bố vào năm 2019.
Cơ hội tốt nhất để san hô tồn tại là thế giới cắt giảm lượng khí thải nhà kính để hạn chế biến đổi khí hậu. Nhiều nhà khoa học cho rằng chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới đã vượt qua ngưỡng quan trọng để rạn san hô tồn tại. Họ dự kiến khoảng 70% đến 90% rạn san hô trên thế giới sẽ biến mất.
Cộng đồng địa phương cần triển khai các chương trình dọn dẹp rác khỏi các rạn san hô. Các nhà khoa học đang nhân giống san hô trong phòng thí nghiệm với hy vọng khôi phục các rạn san hô bị suy thoái.
Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số này có tác dụng bảo vệ san hô ngày nay khỏi vùng nước ấm lên. Do đó, các nhà khoa học đang cố gắng lập kế hoạch cho tương lai bằng cách đưa ấu trùng san hô vào các ngân hàng bảo quản lạnh và nhân giống các loại san hô mạnh mẽ hơn.
Nhà sinh thái học David Obura, người đứng đầu CORDIO Đông Phi, một tổ chức hỗ trợ tính bền vững của rạn san hô và hệ thống biển, cho biết những biện pháp này tuy quan trọng nhưng việc nhân giống san hô biến đổi gen không phải là câu trả lời cho biến đổi khí hậu.
Ông nói: "Chúng ta phải rất cẩn thận khi tuyên bố đó là giải pháp và hiện nay nó đang cứu các rạn san hô. Các rạn san hô sẽ không thể hồi sinh cho đến khi chúng ta giảm lượng khí thải carbon".
Hoài Phương (theo CNN, Reuters)