Hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt trong 20 năm qua, châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế trên toàn thế giới và đang trên đà mở rộng hơn nữa. Châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất- thông tin vừa được Liên hợp quốc đưa ra hôm thứ Hai.
Phuket tổ chức lễ tưởng niệm 15 năm thảm họa sóng thần, vào ngày 26 tháng 12 năm 2019. Ảnh: Bangkok Post
Trong một báo cáo LHQ đưa ra trước Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia ghi nhận nhiều sự kiện thiên tai nhất kể từ năm 2000 đến 2019 với số lượng lần lượt là 577 và 467 lượt.
Tiếp theo là Ấn Độ (321), Philippines (304) và Indonesia (278), 8 trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách này là ở châu Á.
Khoảng 7.348 sự kiện thiên tai lớn đã được ghi nhận trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2,97 tỷ USD trong suốt hai thập kỷ.
Số trận lũ lớn tăng hơn gấp đôi lên 3.254 trận. Hạn hán, cháy rừng và các hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt cũng tàn phá.
Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết: “Số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang mở rộng”.
Bà kêu gọi các chính phủ đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm và có các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Debarati Guha-Sapir thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thảm họa tại Đại học Louvain, Bỉ, nơi cung cấp số liệu thống kê cho báo cáo, cho biết: "Nếu mức độ tăng trưởng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này tiếp tục duy trì đà tăng trong 20 năm tới, tương lai của nhân loại thực sự trông rất ảm đạm."
Bà nói: “Nóng lên toàn cầu sẽ là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong 10 năm tới, đặc biệt là ở các nước nghèo."
Báo cáo cho biết các sự kiện địa vật lý như động đất, sóng thần và núi lửa đã giết chết nhiều người hơn bất kỳ hiểm họa thiên nhiên nào khác được xem xét. Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, cướp đi sinh mạng của hơn một phần tư triệu người, là trận thảm khốc nhất.