Hiệp định EVFTA - 'chất xúc tác' quan trọng nâng thương mại Việt Nam - Hà Lan lên 15 tỷ USD

Việt Nam - Hà Lan cần tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định EVFTA, tăng cường mở cửa thị trường, sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD.

Điển hình của “mối quan hệ năng động, hiệu quả”

Năm 2024, hai nước Việt Nam và Hà Lan đánh dấu tròn 50 năm và bước sang năm thứ 51 thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường vun đắp và phát triển mối quan hệ song phương, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực mới tiềm năng, không chỉ về kinh tế, thương mại, đầu tư mà còn tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế bền vững, hiệu quả. Từ năm 2019, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện, mở ra chương mới cho sự hợp tác và phát triển của hai nước trong tương lai.

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, những năm qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa hai khu vực Á - Âu. Hiện nay, Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hà Lan ở khu vực châu Á, nằm trong nhóm 20 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hà Lan.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, Hà Lan xếp thứ 8 trong 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 14.600 tỷ USD cho 445 dự án. Trong những năm qua, Hà Lan đã triển khai nhiều dự án, chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ảnh: Quốc Việt

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ảnh: Quốc Việt

Đáng chú ý, kể từ sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khu vực Liên minh châu Âu (EU) nói chung và thị trường Hà Lan nói riêng đã có nhiều khởi sắc, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng tích cực..

9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hà Lan đạt 10,02 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 27,5%, nhập khẩu từ Hà Lan đạt 567 triệu USD, tăng hơn 20%. Hà Lan hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024.

“Những năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Hà Lan. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Hà Lan bao gồm: Điện thoại, đồ điện tử, dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan máy móc thiết bị, linh kiện, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm sữa...” - bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan thông tin và nhận định, nhu cầu của thị trường Hà Lan đang có những dấu hiệu khởi sắc ở hầu hết các nhóm hàng từ nông sản tới điện tử và hàng tiêu dùng.

Điều này mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi thuế quan từ lộ trình của Hiệp định EVFTA và nhu cầu thị trường đang dần hồi phục đáng kể.

Tận dụng tốt hơn EVFTA thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Cũng theo Tham tán Thương mại Võ Thị Ngọc Diệp, thực thi EVFTA, đối với thị trường Hà Lan, nông nghiệp được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào Hà Lan/EU là thủy sản, gạo, rau quả... đã đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên vào Hà Lan tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 - 2022, đặc biệt năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với các mặt hàng cà phê (tăng 170%), rau quả (tăng 48%), gạo (tăng 28%), thủy sản (tăng 18%), hạt tiêu (tăng 10%).

Thời gian tới, theo lộ trình giảm thuế của EVFTA, hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với nhiều mặt hàng cùng loại đến từ các nước châu Á. Do đó, cơ hội phát triển thị trường này là rất lớn. Chưa kể, Hà Lan là thị trường cửa ngõ, và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu. Từ cảng Rotterdam - điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều quốc gia EU khác.

Hàng hóa Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại trong khuôn khổ Chương trình kết nối giao thương tại khách sạn Carlton Ambassador, thành phố La Haye, Hà Lan năm 2024 - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan

Hàng hóa Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại trong khuôn khổ Chương trình kết nối giao thương tại khách sạn Carlton Ambassador, thành phố La Haye, Hà Lan năm 2024 - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan

Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam tại Hà Lan còn khá khiêm tốn. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường các hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan.

Đưa ra giải pháp để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt Nam tại thị trường Hà Lan, Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị, Hà Lan hay EU đều là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa trong từng ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng, tuân thủ khi xuất khẩu vào thị trường này. Việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn đã khó, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm, thì việc giữ vững sự hiện diện ổn định tại thị trường càng khó hơn.

Tham tán Thương mại tại thị trường Canada dẫn chứng, chỉ cần Hải quan Hà Lan/EU phát hiện vi phạm quy định liên tiếp thì sẽ nâng tần suất kiểm tra các mặt hàng cùng loại, thậm chí lan rộng ra các mặt hàng giống thành phần nguyên liệu. Như vậy, việc không tuân thủ của một hay một vài doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt, hay doanh nghiệp Việt.

Do vậy, việc tuân thủ quy định là việc doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu khi xuất khẩu vào thị trường này, chưa kể ngày càng nhiều tiêu chí xanh, sạch mà các nước thành viên EU đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng bản địa, giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, thiết kế bao bì nhãn mác “hợp gu” của người tiêu dùng Hà Lan cũng rất quan trọng, ngoài việc thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định, cần có hướng dẫn sử dụng thuận tiện, đặc biệt với những mặt hàng, sản phẩm còn mới mẻ với người dùng.

Đáng chú ý, trong năm 2024, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Hà Lan luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng.

Tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan do Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan Ingrid Thijssen dẫn đầu đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng đã đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hà Lan tận dụng hiệu quả các cơ hội của Hiệp định EVFTA, tăng cường mở cửa thị trường, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới.

Tháng 10/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với ông Marchel Gerrmann, Đại sứ Kinh doanh và hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Hà Lan để trao đổi về nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng bền vững giữa hai nước.

Tại buổi gặp, hai bên đã dành thời gian thảo luận về những vấn đề liên quan đến hợp tác thương mại, phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. Ông Marchel Gerrmann đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên, đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ chương trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hà Lan có kinh nghiệm.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-chat-xuc-tac-quan-trong-nang-thuong-mai-viet-nam-ha-lan-len-15-ty-usd-358598.html