Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc 'có đi có lại'

Sáng 6/8, Hội nghị trực tuyến với chủ đề 'Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu' diễn ra trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực từ 1/8. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bài liên quan

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8: Đường “cao tốc” nhưng không dễ “tăng tốc”

Hôm nay (1/8), Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, cơ hội từ Hiệp định EVFTA là rất lớn nếu biết khai thác một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh Chinhphu.vn

Theo tư lệnh Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức riêng một Hội nghị có sự tham dự đầy đủ của tất cả các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương để thảo luận, quán triệt các giải pháp, cách thức triển khai một FTA một cách đồng bộ và toàn diện như vậy.

Đây là một điểm rất khác so với các Hiệp định thương mại tự do chúng ta đã có trước đây, vì vậy càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ tập trung vào 5 nhóm công việc lớn bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế, các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Cuối cùng là chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về nhiệm vụ của Bộ Công Thương, cơ quan này sẽ là đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định CPTPP và giờ là Hiệp định EVFTA.Qua đó, thực hiện nhóm 6 nội dung lớn được Chính phủ giao phó bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng. Xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị làm chính sách cần nhận thức đúng đắn rằng, cũng như các FTA khác, Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên.

Hiệp định EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa, Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề ở đây là bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên.

EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của chúng ta. Chính vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hiep-dinh-evfta-duoc-xay-dung-tren-nguyen-tac-co-di-co-lai-post90013.html