Hiệp định Genève
BP - Tháng 1-1954, ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp thống nhất mở hội nghị quốc tế ở Genève (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề chiến tranh Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuối tháng 4-1953, hội nghị Genève khai mạc nhưng mãi đến khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt thì vấn đề về Đông Dương mới chính thức đưa lên bàn đàm phán.
Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn của Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến dự hội nghị với lập trường kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên phải tham gia công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Phía Pháp chủ trương giải quyết vấn đề quân sự, ngừng bắn và giải giáp tại chỗ những lực lượng không chính quy. Tuy nhiên, trận Điện Biên Phủ đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh, nên Chính phủ Pháp muốn rút khỏi Đông Dương trong danh dự nhưng duy trì những lợi ích kinh tế và sự ảnh hưởng tại Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam. Các nước phương Tây ra sức ủng hộ Pháp, Bảo Đại và các vương triều của Lào, Campuchia tiếp xúc với Trung Quốc gây bất lợi cho ta trên bàn đàm phán...
Do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách lớn nên từ ngày 24-6 đến 20-7, phái đoàn ta và Pháp đàm phán trực tiếp về vấn đề chọn giới tuyến quân sự tạm thời; thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam... Phía ta đề xuất lấy vĩ tuyến 16, còn Pháp được sự hậu thuẫn của các phái đoàn khác nên cương quyết đòi vĩ tuyến 18. Đến chiều 19-7-1954, phía ta và đoàn Liên Xô, Trung Quốc thống nhất lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là 2 năm. Hiệp định Genève về Đông Dương chính thức được ký kết với các nội dung cơ bản như: Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước. Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương...
Các nhà nghiên cứu chính trị đánh giá, việc ký kết Hiệp định Genève là một thắng lợi rất quan trọng của cách mạng Việt Nam. Hiệp định không chỉ chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc, mà còn cho thấy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Đặc biệt, Đảng ta đã thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bằng nội lực và khôn khéo để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới.
T.P (Trích các sự kiện nổi bật trong lịch sử)
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hiep-dinh-geneve-25489