Hiệp định RCEP đã có hiệu lực với Myanmar và Philippines
Để thực hiện Hiệp định RCEP đã có hiệu lực với Myanmar và Philippines, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định RCEP chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Với Việt Nam, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Hiệp định RCEP được thiết kế để loại bỏ thuế suất hoặc thuế áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu đối với 90% hàng hóa giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm.
Nhằm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hiệp định RCEP, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2027. Nghị định áp dụng đối với các nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan (trừ Myanmar và Philippines) và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand). Đến nay, Hiệp định RCEP đã có hiệu lực với Myanmar và Philippines.
Để thực hiện Hiệp định RCEP có hiệu lực với Myanmar kể từ ngày 4/3/2022, có hiệu lực với Philippines kể từ ngày 2/6/2023, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP.
Trong đó, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Myanmar và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 4/3/2022, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Philippines và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 2/6/2023 đến trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất RCEP theo quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP và Nghị định số 129/2022/NĐ-CP của Chính phủ và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.