Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một khó được ký kết dù hoãn tới tháng 12
Việc Chile hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh APEC lẽ ra diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng 11 đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ. Đề nghị của Washington về địa điểm mới cho cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình dường như bị Bắc Kinh bác bỏ, thời gian để hai nước ký Hiệp định thương mại giai đoạn một có thể bị trì hoãn đến tháng 12, thậm chí khó có thể diễn ra...
Hãng Bloomberg ngày 6 tháng 11 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ phải tới tháng 12 mới có thể ký kết Hiệp định thương mại giai đoạn một, hai địa điểm gặp gỡ do Mỹ đề xuất đều đã bị loại trừ. Nguồn tin cũng cho biết Nhà Trắng đã đề xuất tổ chức cuộc “Gặp gỡ Trump - Tập” tại các địa điểm trên lãnh thổ Mỹ, ở bang Iowa hoặc Alaska, nhưng đều bị Trung Quốc cự tuyệt. Ông cũng nói rằng thay vào đó, hai bên đang xem xét các địa điểm ở châu Á hoặc châu Âu.
Về vấn đề này, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói: “Các cuộc đàm phán đang tiếp tục và văn bản Hiệp định giai đoạn đầu đã đạt được tiến triển. Khi chúng tôi có được tuyên bố về địa điểm tổ chức lễ ký, chúng tôi sẽ cho các bạn biết”.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 13 tại Washington (10 - 11/10) được coi là đạt được đột phá quan trọng mở ra khả năng hai nước ký kết một Hiệp định thương mại giai đoạn một.
Hãng Reuters ngày 6 tháng 11 cũng đưa tin, một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng, cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình để ký thỏa thuận thương mại có thể bị hoãn lại cho đến tháng 12, vì các bên hiện vẫn đang thảo luận về các điều khoản của thỏa thuận và địa điểm diễn ra cuộc họp.
Quan chức giấu tên này còn nói rằng Hiệp định thương mại giai đoạn đầu có thể vẫn không đạt được, nhưng khả năng đạt được thỏa thuận vẫn nhiều hơn. Quan chức này cũng tiết lộ: hai bên đã đề xuất hơn 10 địa điểm để chọn làm nơi diễn ra cuộc “gặp gỡ Trump - Tập”, ở cả châu Âu và châu Á, nhưng khả năng lớn hơn là ở châu Âu, mà Thụy Điển và Thụy Sĩ là những lựa chọn được ưu tiên. Quan chức này cũng nói rằng bang Iowa do ông Trump đề xuất dường như đã bị loại trừ. Reuters cho biết, quan chức Trung Quốc nói, phía Trung Quốc đã đề xuất chọn Hy Lạp làm nơi diễn ra địa điểm gặp gỡ và ký kết vì theo lịch trình của họ, ông Tập sẽ tới Hy Lạp ngày 10, sau đó ngày 13 sẽ tới Brazil nhưng phía Mỹ đã không đồng ý.
Việc Chile bất ngờ hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh APEC do bất ổn chính trị trong nước khiến kế hoạch gặp gỡ giữa hai ông Donald Trump - Tập Cận Bình và việc ký Hiệp định thương mại bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, kênh tin tức Kinh doanh và Tiêu dùng Mỹ (CNBC) cũng đưa tin vào ngày 6 tháng 11: vì hai bên vẫn đang cố gắng đạt được sự nhất trí về các điều khoản của thỏa thuận và địa điểm gặp gỡ mới, nên cuộc gặp gỡ Donald Trump và Tập Cận Bình có thể bị hoãn lại cho đến tháng 12. Nhưng một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với CNBC, mục tiêu của Nhà Trắng vẫn là đạt được một văn bản thỏa thuận trước khi kết thúc ngày 16 tháng 11. Quan chức này cũng nói rằng nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hoàn thành các cuộc đàm phán. Ông cũng nhấn mạnh rằng địa điểm diễn ra chỉ là một phần của cuộc đàm phán. Quan chức này còn bày tỏ hoài nghi về việc lễ ký kết sẽ diễn ra tại Thụy Điển hoặc Thụy Sĩ.
Đồng thời, Edward Lawrence, phóng viên của hãng Fox News, tiết lộ trên Twitter ngày 6 tháng 11: “Một người trong giới thương mại nói với tôi rằng Mỹ đã yêu cầu phía Trung Quốc sắp xếp lịch trình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem nơi nào và khi nào Hiệp định thương mại giai đoạn đầu có thể được ký kết”. Được biết, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Brazil từ ngày 13 đến 14 tháng 11 tới đây.
Sự hồ hởi, phấn khởi của các Trưởng đoàn đàm phán hai bên khi kết thúc Vòng đàm phán 13 liệu có đưa đến kết quả như mong muốn?
Cuộc đàm phán mậu dịch Trung - Mỹ hồi tháng 10 đã giành được bước đột phá, ông Donald Trump đã lên kế hoạch gặp gỡ ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào thời gian từ 16 đến 17 tháng 11 và ký Hiệp định giai đoạn một. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn trong nước, ngày 30/10 Chile đã tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không kịp trở tay và phải khẩn trương tìm kiếm địa điểm mới cho cuộc gặp gỡ cấp cao.
Nhưng điều đáng nói là, một ngày trước khi Chile công bố việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC, các quan chức Mỹ đã nói rằng, có lẽ không thể nào ký được thỏa thuận trong tháng 11 được. Theo Reuters ngày 29 tháng 10, một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu có thể không được ký kết đúng tiến độ vào tháng tới ở Chile. Quan chức này nói: “Nếu không ký được một Hiệp định ở Chile, điều đó không có nghĩa là Hiệp định đó sẽ tan vỡ. Điều này chỉ cho thấy rằng nó chưa được chuẩn bị tốt. Mục tiêu của chúng tôi là ký kết ở Chile, nhưng đôi khi văn bản của Hiệp định thương mại giai đoạn đầu có thể vẫn chưa được chuẩn bị tốt. Hiện nay vẫn đang tiến triển tốt và chúng tôi hy vọng sẽ có thể ký được ở Chile”.
Các đề xuất về địa điểm cho cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình của ông Trump đều bị Trung Quốc bác bỏ, phía sau việc này ẩn chứa lý do khác là điều kiện tiên quyết của Trung Quốc cho việc ký Hiệp định.
Tuy nhiên, theo trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều, việc ký kết Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một bị trì hoãn không chỉ do vấn đề tìm địa điểm mà quan trọng hơn là nội dung thỏa thuận đạt được.
Đa Chiều ngày 5/11 đưa tin, tài khoản Wechat chính thức có tên “Đào Nhiên Bút Ký” của tờ Kinh tế Nhật báo của Quốc Vụ viện Trung Quốc hôm 5/11 đã đăng bài nhấn mạnh: Mỹ hủy bỏ thuế quan đã tăng là điều kiện tất yếu để có thể đạt được Hiệp định thương mại.
Bài báo bắt đầu với việc nhắc lại bài viết: “Giải quyết mối quan tâm cốt lõi của hai bên là tiền đề để đạt được thỏa thuận”. Bài báo chỉ ra rằng, đối với Trung Quốc, hủy bỏ toàn bộ thuế quan đã được (phía Mỹ) tăng là vấn đề quan tâm cốt lõi trước nay không thay đổi và sẽ không thay đổi; dù trong Hiệp định có tính giai đoạn, thì mối quan tâm cốt lõi này cũng phải được thể hiện.
Bài báo viết, trước hết, “không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại” là lập trường nhất quán của Trung Quốc. Từ khi Mỹ gây ra cuộc chiến thương mại năm ngoái đến nay, quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại không phải là thắng hay thua, mà là “không ai thắng trong cuộc chiến thương mại”. Thứ hai, việc bãi bỏ thuế quan đã được áp đặt là mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc. Ai có con mắt sáng suốt đều thấy được mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc, điều quan trọng nhất là hủy bỏ thuế quan đã áp đặt. Thuế quan là điểm khởi đầu của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Việc hủy bỏ thuế quan đã được áp đặt phải là điều kiện cần thiết để đạt được thỏa thuận.
Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh rằng giải quyết ổn thỏa các mối quan tâm cốt lõi thì thỏa thuận hai bên sẽ ngày càng gần nhau hơn. Mỹ đe dọa sẽ áp đặt tăng thuế quan, Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận và cũng không coi mối đe dọa thuế quan là điều kiện đàm phán; áp đặt thuế không có bất cứ khả năng nào buộc Trung Quốc khuất phục.
Nếu quả thật Bắc Kinh lại nêu yêu cầu Mỹ bãi bỏ thuế quan như là điều kiện tiên quyết để ký kết Hiệp định thương mại giai đoạn một thì rất có thể chẳng bao giờ nó có thể ký được.
Theo Đa Chiều