Hiệp hội DN nhỏ và vừa muốn khai thác 'kinh tế ban đêm' trên quy mô toàn quốc
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động. Ông cũng ghi nhận những hỗ trợ từ khối ngành ngân hàng, tuy nhiên, nhu cầu về vốn và ngân sách cho doanh nghiệp và an sinh xã hội còn lớn.
Hiệp hội DNNVV đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.
Thứ hai, về giải ngân đầu tư công, ông đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30;40% xuống còn 15;20%.
Thứ ba, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. "Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc", ông nói.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Kiến nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp; có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam...
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu Eurocham đánh giá cao các biện pháp thời gian qua để bảo vệ các doanh nghiệp, vai trò của Bộ Kế hoạch Đầu tư giúp doanh nghiệp duy trì kinh doanh trong mọi hoàn cảnh.
Ông nhìn nhận, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Đối với quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điều cần thiết là Việt Nam không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn các doanh nghiệp nước ngoài - những nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của đất nước khi nền kinh tế khôi phục trở lại.
Việt Nam có thể tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công tư không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn bộ ASEAN, ông nói.