Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệpTin khácPhấn đấu bệnh viện luôn là 'vùng xanh' trong phòng chống dịchThông báo nội dung kỳ họp thứ sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021- 2026

Để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực quản trị cho chủ các doanh nghiệp.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Quy mô các doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là nhỏ và vừa, trình độ, năng lực quản trị, quản lý của các chủ doanh nghiệp, doanh nhân không đồng đều đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để hỗ trợ hội viên nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hằng năm, hiệp hội tổ chức, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu hội viên, từ đó xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn bằng nhiều hình thức cho các chủ doanh nghiệp.

Sơ chế nguyên liệu tre để sản xuất chiếu tre tại cụm công nghiệp địa phương số 2 huyện Cao Lộc

Sơ chế nguyên liệu tre để sản xuất chiếu tre tại cụm công nghiệp địa phương số 2 huyện Cao Lộc

Ngoài ra, hiệp hội còn tổ chức các cuộc tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các chuyên gia quản lý kinh tế, tổ chức các cuộc giao lưu cho các doanh nghiệp của tỉnh với các hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh như: Thái Nguyên, Hòa Bình… Mục tiêu là giúp chủ các doanh nghiệp vừa được cập nhật thêm nhiều kiến thức mới vừa học hỏi thêm các kỹ năng về quản trị doanh nghiệp; chia sẻ, học tập những kinh nghiệm hay về quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…

Theo thống kê của Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, mặc dù năm 2020 và 10 tháng năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hiệp hội đã tổ chức được 11 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 600 lượt hội viên. Nội dung đào tạo tập huấn tập trung vào các chuyên đề như: hiệp định thương mại tự do và quản trị marketing cho doanh nghiệp; nhận dạng cơ hội kinh doanh; sở hữu trí tuệ; xây dựng thương hiệu; kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh; bảo đảm an toàn sản xuất tại các doanh nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19…

Ngoài ra, hiệp hội còn phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về thuế, bảo hiểm, khai báo xuất xứ hàng hóa, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm… trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ riêng trong năm 2021, hiệp hội đã phối hợp với Tỉnh đoàn và Cục Hải quan tỉnh tổ chức được 2 chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và thanh niên tỉnh năm 2021; tập huấn công tác kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu cho gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu của tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp mới được trang bị đầy đủ hơn những kiến thức pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn.

PGS.TS. Phạm Tất Thăng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Thương mại truyền đạt chuyên đề hiệp định thương mại tự do và quản trị marketing cho doanh nghiệp (ảnh chụp ngày 31/3/2021)

PGS.TS. Phạm Tất Thăng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Thương mại truyền đạt chuyên đề hiệp định thương mại tự do và quản trị marketing cho doanh nghiệp (ảnh chụp ngày 31/3/2021)

Qua các hoạt động thiết thực của hiệp hội đã góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, có thêm các kỹ năng cần thiết trong việc xác định lợi thế cạnh tranh, phân tích lựa chọn, phát triển thị trường, khai thác tiềm năng lợi thế so sánh để tạo sự tăng trưởng cao. Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp từng bước thích ứng tốt hơn trước những biến động của thị trường và dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Vàng cho biết: Các chương trình đào tạo, tập huấn của hiệp hội là rất thiết thực, nhiều chương trình đào tạo được thiết kế rất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nhiều thông tin dự báo được truyền tải đến doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp nhìn lại mô hình và phương pháp quản trị hiện tại của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, công ty đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời áp dụng những khuyến cáo của các chuyên gia tư vấn để chia sẻ các khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách như giảm giá dịch vụ, nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện giảm giá đối với các khách hàng thuê bến bãi phương tiện vận tải để duy trì hoạt động tạo, doanh thu…

Không chỉ Công ty Cổ phần Sao Vàng mà nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đứng vững và duy trì sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động để phục hồi trong bối cảnh mới. Qua đó, vừa tạo doanh thu và có những đóng góp quan trọng trở lại vào tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Như vậy có thể khẳng định qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tác động để các doanh nghiệp Lạng Sơn tự cơ cấu lại mình nhằm quản trị rủi ro; phân tích và đưa ra phương pháp tiếp cận thị trường trong bối cảnh mới; định vị lại phương pháp chiến lược vốn, chi phí để sử dụng tối đa các nguồn vốn một cách hiệu quả nhất, phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

TRANG NINH

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/464161-hiep-hoi-doanh-nghiep-tinh-chu-trong-nang-cao-nang-luc-quan-tri-doanh-nghiep.html