Hiệp hội Kinh tế Thương mại: Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm tới
Tâm lý lạc quan của các nhà kinh tế được thể hiện qua các số liệu kinh tế công bố gần đây, trong đó có thước đo niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi.
Theo một cuộc thăm dò các nhà kinh tế do Hiệp hội Kinh tế Thương mại Quốc gia (NABE) thực hiện, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm tới.
Khoảng 91% số người tham gia cuộc khảo sát mới nhất của NABE, được công bố ngày 22/1, cho rằng xác suất Mỹ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc ít hơn.
Số liệu này khác xa so với quan điểm một năm trước trong bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao.
Tâm lý lạc quan của các nhà kinh tế được thể hiện trong khảo sát tương ứng với các số liệu kinh tế công bố gần đây, trong đó có thước đo niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi.
Ngoài ra, lạm phát đã giảm nhanh hơn dự kiến và thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không giảm quá nhanh.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đánh tín hiệu rằng họ có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu lạm phát tiếp tục giảm. Fed đã duy trì mức lãi suất trong phạm vi 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của NABE dự đoán doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trong năm nay, đồng thời cho biết những vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đang giảm bớt, đây có thể là thông tin tích cực cho triển vọng lạm phát.
Khoảng 63% số người được hỏi trong cuộc khảo sát mới nhất cho biết không có tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Tỷ lệ này tăng so với mức 46% của ba tháng trước đó và chỉ có hơn 50% số người được hỏi cho biết không thiếu lao động, tăng so với mức 38% trước đó.
NABE cho biết cả hai vấn đề trên đều trong trạng thái tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo cuộc khảo sát với 57 thành viên NABE, được thực hiện từ ngày 28/12 đến ngày 9/1, lãi suất cao hơn, bất ổn địa chính trị gia tăng và chi phí cao hơn là những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh doanh trong năm mới.
Còn theo báo cáo khảo sát Beige Book được Fed công bố ngày 17/1, hoạt động kinh tế của nước này tiếp tục giữ vững sự ổn định trong những tuần gần đây, nhờ vào chi tiêu tiêu dùng giúp bù đắp cho sự yếu kém trong các lĩnh vực khác như sản xuất.
Báo cáo cho biết chi tiêu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ cuối năm đã đáp ứng kỳ vọng ở hầu hết các khu vực Fed khảo sát, trong đó có 3 khu vực, bao gồm New York, vượt kỳ vọng.
Phần lớn các khu vực, Fed báo cáo có ít hoặc không có thay đổi trong hoạt động kinh tế, trong khi các doanh nghiệp ngày càng lạc quan về triển vọng tương lai.
Theo báo cáo của Fed, các doanh nghiệp ghi nhận áp lực lạm phát đã giảm bớt trong những tuần gần đây, trong đó sự nhạy cảm về giá tiêu dùng ngày càng tăng đã buộc các nhà bán lẻ phải thu hẹp tỷ suất lợi nhuận và đẩy lùi nỗ lực tăng giá của các nhà cung cấp.
Trong khi đó, doanh nghiệp ở hầu hết các khu vực đều nêu ví dụ về giá đầu vào ổn định hoặc giảm.
Cùng với đó, hầu hết các khu vực khảo sát đều cho thấy một hoặc nhiều dấu hiệu thị trường lao động đang hạ nhiệt, với hơn 50% nhận thấy có rất ít hoặc không có sự thay đổi thực sự nào về mức độ việc làm nói chung.
Các doanh nghiệp ở nhiều khu vực dự báo tốc độ tăng lương sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.
Báo cáo Beige Book được công bố 2 tuần trước mỗi cuộc họp chính sách của Fed.
Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn trong cuộc họp từ ngày 30-31/1 do lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến.
Dữ liệu của Bộ Thương mại mới đây cũng cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2023 đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong vòng ba tháng, vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 là 2,3%. Citigroup đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ ở mức 1,1%.
Lý giải cho những dự đoán trên, các ngân hàng cho rằng kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024 là cơ sở để dự báo khởi sắc hơn cho kinh tế Mỹ.
Cùng với đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tác động tích cực đến những tài sản có nhiều rủi ro hơn như đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Conference Board, sau vài năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tình hình kinh tế Mỹ sẽ dần ổn định trở lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Lạm phát đang ở mức vừa phải, lãi suất tăng nhưng ổn định, điều kiện thị trường lao động đang hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc.
Trong những tháng gần đây, mặc dù có nhiều đánh giá về triển vọng phục hồi, Conference Board vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt những biến động mới vào đầu năm 2024.
Triển vọng kinh tế Mỹ năm nay chịu chi phối từ nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát và lãi suất cao, tiền tiết kiệm phân tán sau đại dịch, nợ tiêu dùng gia tăng và việc khôi phục các khoản vay bắt buộc dành cho sinh viên.
Conference Board dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ sẽ giảm xuống 0,9% năm 2024. Sau đó, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt gần 1,7%.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng đáng kể trong năm 2023 bất chấp lạm phát tăng cao và lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, xu hướng này khó có thể duy trì trong dài hạn.
Tăng trưởng thu nhập cá nhân khả dụng thực tế đang gặp nhiều trở ngại, trong khi các khoản tiền tiết kiệm được trong đại dịch đang giảm dần và nợ hộ gia đình ngày càng tăng.
Ngoài ra, các yêu cầu hoàn trả khoản vay sinh viên mới đang bắt đầu gây ra những gánh nặng lên tiêu dùng. Vì vậy, Conference Board dự báo tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nói chung tại Mỹ sẽ chậm lại từ cuối năm 2023 rồi giảm dần trong quý 1-2/2024.
Khi lạm phát và lãi suất giảm vào cuối năm 2024, Conference Board kỳ vọng tiêu dùng sẽ bắt đầu tăng trở lại./.