Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị sửa đổi Dự thảo Luật Quản lý thuế gỡ vướng mắc cho ngân hàng
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản số 138/HHNH-PLNV tham gia ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM) trong quy định về quản lý thuế.
Khấu trừ tự động từ tài khoản khách hàng: Nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ngân hàng hội viên, văn bản của Hiệp hội Ngân hàng đã đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung, điều chỉnh hay loại bỏ những nội dung chưa phù hợp. Cụ thể, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 3 Điều 27 tại Dự thảo Đề cương Luật Quản lý thuế (thay thế) bởi điều khoản này đang giao trách nhiệm cho NHTM phải chủ động xác định đối tượng, số tiền khấu trừ thuế như cơ quan thu thuế.
Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, NHTM là các trung gian thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán, chuyển tiền theo lệnh của chủ tài khoản; ngân hàng cũng không phải là một bên trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa khách hàng và nhà cung cấp nước ngoài, không có đầy đủ thông tin xác định loại hàng hóa, dịch vụ của từng giao dịch theo ngành nghề kinh doanh để áp dụng tỷ lệ % tính thuế phù hợp. Trường hợp xác định sai tỷ lệ và khấu trừ thấp hơn quy định, ngân hàng có thể bị các Cơ quan Thuế truy thu, nộp tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp khấu trừ cao hơn quy định, ngân hàng có thể bị khiếu nại bồi thường thiệt hại từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Việc tổ chức tín dụng tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân
Do đó, việc tổ chức tín dụng tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và không phù hợp với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Các TCTD 2024.
"Nộp thuế là nghĩa vụ của người nộp thuế. Việc quy định tổ chức tín dụng phải nộp thay nghĩa vụ thuế không đảm bảo quyền tự chủ hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 7 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng (phải bỏ chi phí để nộp thuế thay cho khách hàng)", Hiệp hội Ngân hàng khẳng định.
Tại văn bản, Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung nội dung tại Khoản 4 Điều 27 Dự thảo nguyên tắc loại trừ khi số dư trên tài khoản của người nộp thuế đang đảm bảo cho nghĩa vụ tại chính tổ chức tín dụng đó.
Bởi theo Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp số dư trên tài khoản của người nộp thuế bị áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa và trích tiền để thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, tuy nhiên số dư trên tài khoản đó hiện đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng hoặc đang là tài khoản tổ chức tín dụng thu hồi nợ vay. Do đó, khi nhận được Quyết định cưỡng chế từ cơ quan quản lý thuế không chỉ gây tác động đối với người nộp thuế mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp tín dụng, thu hồi nợ vay của tổ chức tín dụng.
Liên quan đến việc ghi mã số thuế, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bỏ Khoản 4 Điều 35 do chưa phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và không khả thi trên thực tế.
Theo đó, Khoản 4 Điều 35 Dự thảo quy định: “NHTM, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế".
Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các nội dung trên hồ sơ mở tài khoản của khách hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Ngoài ra, tổ chức tín dụng không có cơ sở để xác định chính xác, đầy đủ mã số thuế của khách hàng trong quá trình mở tài khoản. Có nhiều trường hợp khách hàng không có mã số thuế (khách hàng là cá nhân, lao động tự do, người nước ngoài sang Việt Nam ngắn hạn...).
Quy định lập hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần dẫn đến nhiều hệ lụy
Liên quan đến xuất hóa đơn, tại Điều 90 Dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định mức giá trị thanh toán phải xuất hóa đơn (đối với đặc thù mô hình kinh doanh trực tiếp tới người tiêu dùng). Trên thực tế, các NHTM có số lượng khách hàng cá nhân rất lớn (lên đến hàng triệu khách hàng), phần lớn khách hàng cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn giao dịch. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc quy định phải lập hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần cung cấp dịch vụ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Một là, lãng phí nguồn lực máy móc, con người để thực hiện vận hành, quản trị, chỉnh sửa chương trình đảm bảo việc xuất hóa đơn cho đối tượng không cần hóa đơn.
Hai là, với số lượng hóa đơn lớn, không thể đảm bảo việc ký số kịp thời trong ngày (bình quân thời gian ký 10 triệu hóa đơn dự kiến khoảng >250 giờ, tương đương với hơn 10 ngày).
Ba là, ngoài việc gây áp lực, ảnh hưởng hiệu năng lên hệ thống công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, việc xuất số lượng hóa đơn lớn như trên ảnh hưởng đến cổng thông tin tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử của Cơ quan thuế.
Do đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định theo hướng: cho phép các NHTM được xuất hóa đơn tổng (gộp) đối với các giao dịch của các khách hàng cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn.
Hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi quy định tại Tiết c Khoản 2 Điều 138 Dự thảo về phạt hành chính đối với việc khai thiếu thuế. Theo Hiệp hội Ngân hàng, trường hợp bên mua mua hàng, sử dụng dịch vụ không cố ý vi phạm và đã chứng minh được hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là do lỗi thuộc về bên bán hàng thì việc xử phạt hành chính là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng: Không xử phạt hành chính đối với hành vi “sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng”.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cần bổ sung các trường hợp bất khả kháng vào Điều 144 Dự thảo, khi ngân hàng không thể trích chuyển tiền từ tài khoản người nộp thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước do yếu tố khách quan, chẳng hạn như nhận đồng thời nhiều yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.
Văn bản của Hiệp hội cũng tham gia ý kiến về một số nội dung khác như kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay của doanh nghiệp; về kê khai nộp thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý của doanh nghiệp; Về trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước.