Hiệp hội Nước đá và cuộc chiến ngầm
'Nếu không chấp hành 'lệnh' của mấy người tự xưng là Hiệp hội Nước đá thì nhân viên giao hàng của tui bị hăm dọa, ngăn cản giao hàng, còn cơ sở sản xuất và gia đình tui bị giang hồ đến tận nơi dằn mặt', ông H. than thở.
Khốc liệt thị trường nước đá
Ông H. là chủ 1 cơ sở sản xuất nước đóng chai tinh khiết trên địa bàn TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Đầu năm 2019, khi thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu tiêu thụ nước đá tăng mạnh nên ông H. đầu tư gần 500 triệu đồng lên TP.HCM mua mấy cái máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đem về làm ăn. Biết địa bàn TP.Mỹ Tho có nhiều cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết đang hoạt động nên trước khi tung sản phẩm ra thị trường, ông H. đã tìm hiểu kỹ giá cả, phương thức kinh doanh và cố gắng tìm mối làm ăn mới để tránh đụng chạm với các cơ sở khác.
Nhưng chỉ mới sản xuất hơn 3 tháng thì nhân viên giao hàng của ông H. về báo lại có những người ăn mặc rất đàng hoàng chặn đường hỏi thăm: “Nước đá của cơ sở nào sản xuất, đi giao nước đá có xin phép ai không?”. Ông H. rất bất ngờ vì trước khi mở cơ sở sản xuất ông đã xin giấy phép các cơ quan hữu trách, sao bây giờ có người hỏi thăm giấy phép? Trong lúc đang tìm hiểu sự việc thì có người gọi điện vào máy di động của ông H., tự xưng là người của Hiệp hội Nước đá, đề nghị gặp và làm việc cụ thể. Nghe nói người của Hiệp hội nên ông H. tin sái cổ, đồng ý gặp gỡ, dù chẳng biết mình có sai phạm gì.
Lúc gặp nhau, ông H. trình bày mọi giấy tờ hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp, giải thích mình chỉ bỏ mối nước đá cho những mối quen biết, không tìm cách giật mối của các cơ sở nước đá tinh khiết khác trên địa bàn. Tuy nhiên người của Hiệp hội Nước đá không đồng ý, cho biết giấy phép của các cơ quan hữu trách cấp cho cơ sở của ông H. chỉ có giá trị cho phép ông sản xuất nước đá, còn kinh doanh mua bán như thế nào thì phải chịu sự điều hành của Hiệp hội.
“Tui sản xuất mỗi ngày chỉ có vài trăm ký lô nước đá viên tinh khiết, bỏ mối đúng theo giá thị trường là 1 bao nặng 30 - 32kg giá 16.000 đồng. Nhưng người của Hiệp hội Nước đá không chịu, cho biết do cơ sở của tui mới ra thị trường nên phải chấp hành “luật”: mỗi ngày được sản xuất bao nhiêu ký nước đá, bán giá nào, bán tại địa bàn nào là do Hiệp hội quy định, khiến tui rất bất ngờ”, ông H. kể.
Do thấy quy định của Hiệp hội Nước đá quá vô lý nên ông H. vẫn tiếp tục công việc sản xuất kinh doanh như bình thường. Chưa đầy 1 tuần sau, nhân viên giao hàng của ông H. không giao được nước đá cho khách, hớt hải chạy về báo tin: có nhiều người mặt mày dữ dằn, xăm trổ vằn vện, chặn đường không cho giao hàng và lớn tiếng hăm dọa: “Nếu tiếp tục giao nước đá mà không có sự đồng ý của Hiệp hội thì sẽ bị… xử đẹp”.
Vài hôm sau, nhóm người này tìm đến cơ sở sản xuất nước đá của ông H. và gặp trực tiếp ông, yêu cầu phải chấp hành quy định của Hiệp hội, nếu chống lệnh thì chỉ có 1 con đường là đóng cửa cơ sở, hết đường làm ăn. Do đã lỡ đầu tư vốn liếng mua máy móc nên ông H. đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà trong bụng vẫn ấm ức, vì sau khi hỏi thăm mới biết nhiều chủ cơ sở sản xuất nước đá viên tinh khiết khác cũng lâm vào cảnh ngộ như ông.
Những nhân viên giao nước đá tinh khiết của các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.Mỹ Tho đều phải chịu sự điều tiết thị phần, giá cả của Hiệp hội Nước đá - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông L.H.C., 1 người rành rẽ thị trường sản xuất tiêu thụ nước đá ở TP.Mỹ Tho, sự việc ông H. trình bày là hoàn toàn có thật. Ông C. cho biết, thị trường nước đá hiện nay chia làm 2 thị phần. Thứ nhất là thị trường tiêu thụ nước đá cây chuyên cung cấp cho các tàu đánh cá và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Thị trường này dù vẫn bị “Hiệp hội Nước đá” thao túng nhưng lâu nay khá ổn định vì nguồn tiêu thụ ít có biến động, cơ sở sản xuất đã bảo hòa nên chuyện cạnh tranh hầu như không có.
Trong khi đó thị trường nước đá viên tinh khiết đang diễn ra 1 “cuộc chiến ngầm” rất khốc liệt vì hiện nay máy làm nước đá viên tinh khiết giá khá mềm, ai cũng có thể đầu tư mua sắm, sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu thụ nước đá viên ngày càng cao, do quán nhậu, quán cà phê mọc lên nhiều như nấm.
“Trên thực tế, Hiệp hội Nước đá chỉ có vài đại gia sản xuất nước đá viên tinh khiết, những người còn lại đều là chủ đề-pô (điểm phân phối) nước đá. Hiệp hội này chỉ thực hiện 2 việc. Thứ nhất là chèn ép các cơ sở sản xuất nước đá viên mới tham gia thị trường phải tuân lệnh của họ là chỉ được sản xuất mỗi ngày bao nhiêu ký nước đá, được phép bán ở địa bàn nào, không được phép lấn sang địa bàn khác dù có mối mang quen biết. Việc thứ nhì là họ liên kết với nhau để thao túng giá cả, cơ sở nào dám bán giá thấp hơn giá của Hiệp hội quy định thì sẽ bị “hỏi thăm sức khỏe” ngay”, ông C. kể.
Cũng theo ông C., dưới trướng các đại gia sản xuất nước đá viên và các đề-pô tham gia Hiệp hội đều có đám đàn em thân tín là người của giới giang hồ. Đám đàn em này nhận lệnh của Hiệp hội làm nhiệm vụ điều tiết địa bàn giao hàng cho các cơ sở sản xuất nước đá viên, đồng thời “thay mặt” Hiệp hội đe dọa những cơ sở sản xuất, đại lý tiêu thụ nước đá dám trái lệnh, chứ người của Hiệp hội ít khi nào xuất hiện công khai.
Sự thật về Hiệp hội nước đá
Khi PV liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu thông tin về Hiệp hội Nước đá, thì những người có trách nhiệm của Sở này đều tỏ ra bất ngờ. 1 cán bộ của Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, lâu nay trên địa bàn tỉnh chỉ có Hiệp hội Doanh nghiệp, còn Hiệp hội Nước đá thì lần đầu tiên ông mới nghe thấy.
“Theo nhận định của tôi, Hiệp hội này có lẽ là do những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá tự liên kết với nhau lập ra chứ không cơ quan hữu trách nào cho phép. Sở sẽ xem xét vấn đề này để có giải pháp xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”, vị cán bộ cho biết.
Trong khi đó ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho biết gần đây ông đã có nghe thông tin về hoạt động của cái gọi là Hiệp hội Nước đá. Theo ông Công, hiện nay trên địa bàn TP.Mỹ Tho chỉ có 6 cơ sở sản xuất nước đá có đăng ký sản xuất kinh doanh, nhưng việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế Tiền Giang, phía UBND TP.Mỹ Tho chỉ quản lý về mặt hành chính.
“Tôi có nghe lãnh đạo Công an TP.Mỹ Tho báo cáo thông tin ban đầu về hoạt động của Hiệp hội Nước đá trên địa bàn. Thứ nhất là Hiệp hội này không được cơ quan nào cấp phép cho hoạt động, có nghĩa là họ hoạt động chui, ngấm ngầm. Thứ nhì là họ liên kết với nhau để thao túng giá cả, thị trường.
Tôi đã yêu cầu Công an TP.Mỹ Tho tiếp tục quan tâm theo dõi về hoạt động của hiệp hội này để có giải pháp xử lý. Nhưng phải nói thật là việc các cơ sở sản xuất nước đá tự thành lập hiệp hội không phép để hoạt động thì có thể xử lý được theo các quy định của pháp luật. Còn việc họ liên kết với nhau để ngấm ngầm thao túng giá cả, thị trường, thì khó xử lý vì rất khó thu thập bằng chứng cụ thể”, ông Công cho biết.