Hiểu biết của sinh viên về phòng cháy chữa cháy đang ở mức nào?

'Khi gặp một vụ cháy, việc đầu tiên, tôi sẽ cố gắng báo động cho mọi người xung quanh biết về tình hình cháy. Điều này có thể bằng cách kêu gào, sử dụng điện thoại di động để gọi 114 hoặc kích hoạt còi báo động nếu có', Nguyễn Hải Linh (năm thứ nhất, trường ĐH Ngoại thương) chia sẻ.

Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vừa qua được coi là vụ cháy lớn nhất trong 10 năm qua, khiến người dân cả nước vô cùng xót xa trước số ca tử vong và thiệt hại nặng nề. Đứng trước những thảm họa từ cháy nổ, các bạn sinh viên cần có những hiểu biết nhất định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cách xử lý tình huống khi gặp hỏa hoạn.

Nguyễn Hải Linh (năm thứ nhất, trường ĐH Ngoại thương) đang ở trọ tại phố Chùa Láng, TP. Hà Nội, chia sẻ: “Khi gặp một vụ cháy, việc đầu tiên, tôi sẽ cố gắng báo động cho mọi người xung quanh biết về tình hình cháy. Điều này có thể bằng cách kêu gào, sử dụng điện thoại di động để gọi 114 hoặc kích hoạt còi báo động nếu có”.

Theo ghi nhận, những kiến thức về PCCC mà sinh viên thu nhận được chủ yếu thông qua sách vở, báo đài, các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử của công an tỉnh, thành phố hay đơn giản chỉ chỉ qua những cuộc trò chuyện với mọi người xung quanh...

Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, sinh viên cẩn trọng hơn khi tìm các khu trọ đảm bảo về PCCC để thuê trọ.

Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, sinh viên cẩn trọng hơn khi tìm các khu trọ đảm bảo về PCCC để thuê trọ.

Phạm Thị Minh Thu (năm thứ ba, Học viện Ngoại giao) hiện đang ở trọ tại ngõ 166, Kim Mã, TP. Hà Nội, được nhà trường mở lớp tập huấn trang bị kiến thức về PCCC. Tại lớp học, cô được trang bị những kỹ năng cơ bản nhất: “Đầu tiên là kỹ năng để phòng cháy, khi phát hiện đám cháy thì xử lý như nào, đặc biệt là mình có tìm hiểu về kỹ năng PCCC trong nhà cao tầng và tìm nơi thoát hiểm. Mình được thực hành với những giả định nhỏ, qua đó mình cơ bản có thể áp dụng được và sau buổi PCCC như vậy mình không chỉ nhận được kỹ năng mà còn có thể truyền tải đến người khác”, Minh Thu chia sẻ.

Còn Nhâm Thị Mỹ Hạnh (năm thứ nhất, trường ĐH Thương mại) hiện đang thuê trọ tại Dương Khuê, TP. Hà Nội khá mơ hồ về kỹ năng PCCC: “Hiện tại, mình chưa được trang bị kỹ năng PCCC thông qua bất kỳ buổi đào tạo cụ thể nào. Tuy nhiên, mình luôn chú ý đến thông tin và hướng dẫn về PCCC để tăng cường kiến thức cá nhân”.

Nỗi lo sợ, sự bất an tại chính nơi ở chưa được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, kèm theo đó là sự ám ảnh về vụ cháy vừa qua khiến các bạn sinh viên mong muốn tìm nơi trọ mới an tâm hơn. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Chắc chắn, trong tương lai, khi tìm phòng trọ mới, việc có hệ thống PCCC đáng tin cậy sẽ là yếu tố hàng đầu mà mình quan tâm. Sự an toàn của bản thân và người sống chung là ưu tiên hàng đầu”.

Sinh viên mong muốn được tập huấn thường xuyên về công tác PCCC trong trường học và nơi ở.

Sinh viên mong muốn được tập huấn thường xuyên về công tác PCCC trong trường học và nơi ở.

Minh Thu chia sẻ về ngày đầu đi tìm phòng trọ: “Mình nhớ lại ngày đầu tiên đi tìm phòng trọ, mình và bố mẹ đều có những câu hỏi riêng, bố mẹ mình luôn đặt dấu hỏi về hệ thống điện ở đó như thế nào, lối đi có rộng không, cửa sổ có thoáng không…”.

Sự hiểu biết về kiến thức cũng như những kỹ năng về PCCC là điều vô cùng cần thiết đối với sinh viên hiện nay. Chính vì thế mà Hải Linh bày tỏ mong muốn: “Mình nghĩ, việc các trường đại học trang bị kiến thức PCCC cho sinh viên vào đầu năm học là điều cần thiết. Điều này giúp nâng cao nhận thức về an toàn trong cộng đồng sinh viên và giúp các bạn chuẩn bị các tình huống khẩn cấp. Nắm vững kiến thức và kỹ năng PCCC là một phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức về sự tự bảo vệ và đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.

Bộ GD - ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT, ngày 11/5/2022 về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho học sinh, sinh viên. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/6/2022.

Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT được đưa vào triển khai thực hiện giúp trang bị các kiến thức, kỹ năng quan trọng cho học sinh, sinh viên trong việc PCCC và CNCH góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn cháy nổ và nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, nâng cao hiểu biết về an toàn PCCC, phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ và xử lý tốt tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại trường học. Tạo tiền đề tốt về nhận thức trong công tác PCCC cho các bạn học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Việt Hoàng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hieu-biet-cua-sinh-vien-ve-phong-chay-chua-chay-dang-o-muc-nao-post1570199.tpo