Hiểu để giữ gìn bản sắc đô thị Đà Lạt

Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức nghiên cứu, học tập, triển khai Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về 'Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' gắn với các mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh một cách bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm. Qua đó, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh cần hiểu rõ quan điểm của Bộ Chính trị, cũng là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển đất nước và tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngay trong tháng 5/2022, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai nghị quyết này. Đô thị hóa là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Với một đô thị có tuổi đời hơn 120 năm, Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung càng phải thấm nhuần quan điểm chỉ đạo đó, để phát triển đô thị tương xứng với tiềm năng, vị thế, đặc biệt là phải giữ được “bản sắc” của đô thị Đà Lạt, giữ được nét mộng mơ làm xao lòng du khách bốn phương.

Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị chỉ rõ: đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Nghị quyết cũng xác định xây dựng các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển đô thị là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, tăng mật độ đô thị tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Như thế, vai trò của đô thị Lâm Đồng nói riêng, đô thị vùng Tây Nguyên nói chung đã được định hướng rõ nét trong nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, phát triển đô thị tại Lâm Đồng, cụ thể là đô thị Đà Lạt như thế nào để đáp ứng được các quan điểm, yêu cầu nêu trên quả thật khá nan giải. Đà Lạt là Đà Lạt, không giống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Hải Phòng. Đô thị Đà Lạt từ hàng trăm năm nay có nét quyến rũ của khí hậu, của núi rừng hùng vĩ và hoang sơ, “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”; đô thị du lịch nghỉ dưỡng. Đà Lạt còn có nhiều danh xưng lãng mạn và ấn tượng: thành phố trong rừng, Thủ đô mùa hè; Petite Paris (Pa-ri nhỏ) của châu Á; thành phố vườn trên cao nguyên; thành phố ngàn hoa... Đà Lạt sở hữu một quỹ kiến trúc đặc biệt phong phú về các loại hình, về phong cách và về thẩm mỹ. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Chính những tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng. Tôi cho rằng, những gì đã nêu sẽ là vốn liếng, quỹ gen để Đà Lạt tiếp tục mở mang vào hiện đại. Song, bắt buộc phải là mình, trong dòng chảy tự nhiên, không đứt đoạn”. Nói Đà Lạt là quỹ gen cũng đúng, là quỹ di sản kiến trúc đô thị càng đúng hơn, và tất cả các nhà kiến trúc từ Đông sang Tây đều coi đây là vốn quý của Đà Lạt, là viên kim cương vô cùng quý báu, càng biết giữ gìn càng sáng để tạo ra nguồn lực, động lực phát triển Lâm Đồng.

Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Vì thế, triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị cũng là lúc cần quán triệt sâu sắc hơn nét đặc trưng, bản sắc đô thị Đà Lạt, Lâm Đồng để Đà Lạt mãi nên thơ, mãi mộng mơ hút hồn du khách.

HÀ THANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202206/hieu-de-giu-gin-ban-sac-do-thi-da-lat-3123216/