Hiểu đúng - hưởng đủ: BHXH TP.HCM kết nối chính sách với người dân

Chương trình giao lưu trực tuyến giúp người lao động tiếp cận chính sách BHXH, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và ứng dụng công nghệ trong BHXH hiện đại.

Sáng 15-5, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với BHXH TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “BHXH TP.HCM đồng hành cùng người lao động (NLĐ) trong kỷ nguyên mới” (*).

 Giao lưu trực tuyến với chủ đề “BHXH TP.HCM đồng hành cùng người lao động trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “BHXH TP.HCM đồng hành cùng người lao động trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, NLĐ, qua đó giải đáp hàng loạt câu hỏi thiết thực liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, ứng dụng VssID, các điểm mới trong Luật BHXH 2024...

Buổi giao lưu có sự tham dự của ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM; ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cùng các chuyên gia, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn thuộc cơ quan BHXH TP.HCM.

Từ thời gian tham gia đến tất toán hồ sơ BHXH

Gửi câu hỏi về buổi giao lưu, bạn đọc An Khương hỏi: Trong trường hợp tôi đã tham gia BHXH bắt buộc một thời gian, sau đó nghỉ việc và chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện thì thời gian đã đóng trước đó có được cộng dồn không và thủ tục để chuyển đổi, bảo lưu thời gian đóng là như thế nào?

Ông Dương Chánh Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý thu, sổ thẻ, trả lời: Trường hợp bạn sau khi nghỉ việc, đơn vị có trách nhiệm thực hiện thủ tục bảo lưu quá trình BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trả sổ BHXH cho NLĐ. Để tham gia BHXH tự nguyện, bạn đăng ký với tổ chức dịch vụ thu hoặc cơ quan BHXH. Thời gian đóng BHXH tự nguyện được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó để tính hưởng chế độ BHXH khi đủ điều kiện (không bao gồm thời gian tham gia BHXH đã hưởng một lần). Trường hợp NLĐ có từ hai sổ BHXH thì nộp hồ sơ gộp sổ giấy tiếp nhận hồ sơ 605b để được giải quyết.

Phát biểu tại chương trình, ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (ảnh), cho biết: “Đây là dịp để NLĐ, doanh nghiệp và bạn đọc có cơ hội tiếp cận, đối thoại trực tiếp với cơ quan chức năng và chuyên gia chính sách qua hình thức hỏi - đáp trực tiếp, dễ hiểu và sát với thực tế”.

Ông Thọ kỳ vọng chương trình sẽ giúp NLĐ hiểu rõ hơn quyền được bảo vệ, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với NLĐ và chính sách BHXH đến gần hơn với đời sống thường nhật.

Bạn đọc Minh Luân hỏi: Trong trường hợp NLĐ chưa được tất toán hồ sơ BHXH ở công ty cũ (nợ BHXH) thì NLĐ phải làm gì để yêu cầu tất toán hồ sơ?

Ông Dương Chánh Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý thu, sổ thẻ, trả lời: Trường hợp đơn vị chưa chốt sổ, NLĐ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị để xác nhận sổ BHXH.

Trường hợp đơn vị đã chốt sổ nhưng chưa đầy đủ do đơn vị chậm đóng, đề nghị NLĐ yêu cầu đơn vị gửi văn bản đến cơ quan BHXH đề nghị đóng trước tiền để chốt sổ cho NLĐ đã nghỉ việc theo quy định.

Trường hợp đơn vị không thực hiện, NLĐ gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động hoặc khởi kiện người sử dụng lao động tại TAND theo quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp và điều kiện nghỉ hưu

Bạn đọc Phạm Thị Hoa hỏi: NLĐ cả quá trình tham gia BHXH bắt buộc cho đến khi đủ năm/đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa hưởng BHTN lần nào thì quyền lợi BHTN này của NLĐ nhận được khi nghỉ hưu sẽ được tính như thế nào? Hay là quyền lợi BHTN này NLĐ không được hưởng?

Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH, trả lời: Luật Việc làm quy định BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm hỗ trợ NLĐ để duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Như vậy, trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu không thuộc quy định được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp đơn vị đã chốt sổ nhưng chưa đầy đủ do đơn vị chậm đóng, đề nghị người lao động yêu cầu đơn vị gửi văn bản đến cơ quan BHXH đề nghị đóng trước tiền để chốt sổ cho người lao động đã nghỉ việc theo quy định.

Bạn đọc Trần Quang Minh hỏi: Tôi sinh ngày 14-6-1965, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 4-2025 đến tháng 3-2026 thì chấm dứt. Sau khi hết hưởng trợ cấp thất nghiệp còn tám tháng mới đủ tuổi hưởng lương hưu, giờ tôi muốn chuyển sang hưởng hưu trí có được không? Hướng dẫn giùm tôi hồ sơ cần những gì, tôi là thương binh muốn phục hồi lại BHYT của người có công có được không?

 Các chuyên gia thảo luận trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các chuyên gia thảo luận trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH, trả lời: ông sinh ngày 14-6-1965 thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 1-1-2027. Như vậy, đầu tháng 12-2026 ông liên hệ cơ quan BHXH để nộp hồ sơ hưởng lương hưu. Trường hợp ông muốn nghỉ hưu trước tuổi quy định thì ông có thể đi giám định sức khỏe nếu được hội đồng giám định y khoa xác định suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên sẽ được hưởng lương hưu sớm (điều kiện có thời gian 20 năm đóng BHXH bắt buộc). Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí gồm: Sổ BHXH; đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB; biên bản giám định y khoa, bảng kê các nội dung giám định (nếu có).

Trường hợp của ông đang có thẻ BHYT thất nghiệp để được thay đổi mã quyền lợi BHYT, ông liên hệ cơ quan BHXH TP.HCM. Khi đi ông vui lòng mang theo giấy tờ có liên quan người có công.•

Hưởng lương hưu hằng tháng có thể đóng BHXH bổ sung tăng tỉ lệ hưởng lương hưu?

Bạn đọc Lê Văn Khánh hỏi: Tôi đã đóng BHXH tự nguyện được hơn 14 năm nhưng do đóng muộn nên dù đã 60 tuổi, đủ tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được hưởng lương hưu. Theo luật mới, tôi sẽ được hưởng lương hưu từ ngày 1-7 nếu đóng đủ 15 năm phải không? Với mức đóng 15 năm thì mức hưởng lương hưu của tôi là bao nhiêu? Tôi biết thông tin nếu đóng thêm 5 hoặc 10 năm thì lương hưu sẽ cao hơn nhưng tôi không có sẵn tiền để đóng mà đóng dần thêm vài năm nữa thì tôi sẽ bị thiệt. Vậy có cách nào để tôi vừa hưởng lương hưu vừa đóng bổ sung thêm BHXH không?

Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH, trả lời: Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì năm 2025, nam 61 tuổi 3 tháng có đủ 20 năm đóng BHXH và từ ngày 1-7-2025 thì cần có đủ 15 năm đóng BHXH là đảm bảo yêu cầu về tuổi và số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Trường hợp của ông đã đóng BHXH tự nguyện được hơn 14 năm, nếu ông đủ tuổi như nêu trên ông có thể chọn đóng BHXH tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để đủ 20 năm để hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ BHXH tự nguyện. Nếu đến ngày 1-7-2025 thì ông chỉ đóng BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để đủ 15 năm để hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ BHXH tự nguyện.

Theo quy định tại Điều 98 Luật BHXH năm 2024, trường hợp ông đóng BHXH tự nguyện đủ 15 năm và đủ tuổi hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và tỉ lệ hưởng lương hưu được tính tương ứng với 15 năm đóng BHXH là 40%.

Theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH năm 2024, trường hợp ông đang hưởng lương hưu hằng tháng thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Do đó, khi ông đã hưởng lương hưu hằng tháng thì sẽ không thể đóng BHXH bổ sung để tăng tỉ lệ hưởng lương hưu.

(*) Chi tiết về buổi giao lưu trực tuyến mời bạn đọc quét mã QR

TRẦN MINH - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hieu-dung-huong-du-bhxh-tphcm-ket-noi-chinh-sach-voi-nguoi-dan-post849985.html