Hiểu đúng và nhận biết rối loạn stress sau sang chấn

Theo thống kê, khoảng 7-9% người Việt trưởng thành có nguy cơ mắc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nhận thức về căn bệnh này trong cộng đồng vẫn còn hạn chế.

Các nhóm có nguy cơ mắc bệnh rối loạn stress sau sang chấn

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất liên quan đến sang chấn tâm lý. Bệnh không phải dấu hiệu yếu đuối, mà là phản ứng sinh lý của não bộ trước tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, rối loạn stress sau sang chấn là rối loạn lo âu thuộc nhóm phản ứng stress nghiêm trọng, xảy ra sau khi một người trải qua hoặc chứng kiến sự kiện đe dọa tính mạng hoặc gây tổn thương tâm lý sâu sắc. Khác với phản ứng sang chấn thông thường, rối loạn stress sau sang chấn gây rối loạn chức năng não bộ kéo dài, cần can thiệp y tế chuyên sâu.

Rối loạn stress sau sang chấn gây rối loạn chức năng não bộ kéo dài, cần can thiệp y tế chuyên sâu. Ảnh minh họa

Rối loạn stress sau sang chấn gây rối loạn chức năng não bộ kéo dài, cần can thiệp y tế chuyên sâu. Ảnh minh họa

Các sự kiện kích hoạt rối loạn stress sau sang chấn điển hình như: Chiến tranh, tai nạn nghiêm trọng, bạo lực thể chất/tình dục, thiên tai, chứng kiến cái chết thương tâm.

Ngoài ra, rối loạn stress sau sang chấn không chừa một ai, nhưng các nhóm sau cần đặc biệt lưu ý:

- Cựu chiến binh: ~15-30%

- Nạn nhân bạo lực tình dục: ≥45%

- Trẻ em bị bạo hành, bỏ rơi: 20-50%

- Nhân viên y tế tuyến đầu (sau đại dịch COVID-19): 15%

“Con số này cho thấy nhu cầu cấp thiết về hệ thống sàng lọc và hỗ trợ tâm lý tại Việt Nam", bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh thông tin.

Dấu hiệu nhận biết từ ám ảnh đến tê liệt cảm xúc

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, người bệnh không nên bỏ qua các triệu chứng kéo dài trên 1 tháng sau sang chấn. Cụ thể, với những biểu hiện điển hình:

- Tái trải nghiệm đau khổ: Ác mộng, hồi tưởng như đang sống lại sự kiện (flashback)

- Trốn tránh: Né tránh nơi chốn/hoạt động gợi nhớ sang chấn

- Thay đổi nhận thức & cảm xúc: Mất niềm vui sống, cảm giác tội lỗi, tê liệt tình cảm

- Kích thích quá mức: Mất ngủ, giật mình, dễ cáu gắt

Ngoài ra, rối loạn stress sau sang chấn hình thành do 3 yếu tố: Sinh học (rối loạn hệ thống xử lý sợ hãi, hạch hạnh nhân, di truyền); tâm lý (sang chấn thời thơ ấu, thiếu kỹ năng ứng phó); xã hội (thiếu hỗ trợ gia đình, kỳ thị bệnh tâm thần).

Người bệnh không nên bỏ qua các triệu chứng kéo dài trên 1 tháng sau sang chấn. Ảnh minh họa

Người bệnh không nên bỏ qua các triệu chứng kéo dài trên 1 tháng sau sang chấn. Ảnh minh họa

Chiến lược phòng ngừa 3 cấp độ của bệnh rối loạn stress sau sang chấn

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh khuyến cáo, việc can thiệp sớm là chìa khóa ngăn rối loạn stress sau sang chấn tiến triển. Đồng thời, nên tìm hiểu chiến lược phòng ngừa 3 cấp độ như:

Dự phòng cấp 1: Trước sang chấn)

- Đào tạo kỹ năng quản lý stress cho nhóm nguy cơ cao (bộ đội, nhân viên y tế)

- Xây dựng mạng lưới hỗ trợ xã hội

Dự phòng cấp 2: Sau sang chấn 1-3 tháng

- Tầm soát miễn phí tại Viện Sức khỏe Tâm thần sử dụng bộ công cụ chuẩn quốc tế (PCL-5, CAPS-5)

- Trị liệu tâm lý ngắn hạn, can thiệp nhóm

Dự phòng cấp 3: Đã mắc rối loạn stress sau sang chấn

- Liệu pháp tâm lý chuyên sâu (EMDR, Liệu pháp nhận thức hành vi)

- Kết hợp thuốc và phục hồi chức năng xã hội.

“Có đến 90% bệnh nhân cải thiện triệu chứng, nếu được can thiệp bằng phương pháp đúng trong năm đầu tiên. Chính vì vậy, mọi người đừng im lặng chịu đựng, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ - đây là bước đầu tiên để tái kiểm soát cuộc sống”, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hieu-dung-va-nhan-biet-roi-loan-stress-sau-sang-chan-10381006.html