Hiểu đúng về bản sắc văn hóa

Cuốn sách 'Không có bản sắc văn hóa' của giáo sư người Pháp Francois Jullien có cách đặt vấn đề mới để tiếp cận lại khái niệm bản sắc văn hóa trong tính năng động của văn hóa mà không bị ám thị trong những định kiến, khuôn mẫu cứng nhắc.

Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp chúng ta hiểu đúng bản sắc văn hóa là gì, góp phần đảm bảo sự tồn tại và phát triển các giá trị nhân văn của văn hóa truyền thống - điều đó có ý nghĩa lớn đối với việc tạo ra một xã hội văn minh, đa dạng và tôn trọng lẫn nhau.

Bản sắc văn hóa là gì? Tính cố định, bền vững của nó cũng như khả năng biến đổi theo hướng mai một tiêu cực hay thích ứng trong môi trường, bối cảnh lịch sử xã hội mới luôn là vấn đề quan trọng, được quan tâm trong mọi xã hội, mọi quốc gia dân tộc theo quan điểm của TS Trần Đình Hằng, Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Theo TS Trần Đình Hằng, cuốn sách “Không có bản sắc văn hóa” theo cách nhìn nhận của Francois Jullien chính là cách đặt vấn đề mới để tiếp cận lại khái niệm bản sắc trong tính năng động của văn hóa mà không bị ám thị trong định kiến, khuôn mẫu cứng nhắc. Động năng của văn hóa với cách tiếp cận như vậy càng thêm ý nghĩa tham khảo thiết thực trong việc nghiên cứu bức tranh phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Theo triết gia người Pháp thì dù xét ở góc độ nào thì đặc điểm của văn hóa là vừa đa nguyên vừa đơn nguyên. Dễ hiểu hơn, nó luôn bị tác động của hai vận động ngược chiều nhau - đa dạng hóa và đồng nhất hóa. Khiến nó có xu hướng hòa vào nhau vừa tách riêng, vừa giảm thiểu đặc thù vừa khôi phục bản sắc, vừa thỏa hiệp vừa đối kháng.

Đến đây, chúng ta đã mường tượng ra tiêu đề cuốn sách: “Không có bản sắc văn hóa”. Có nghĩa là: đừng mong muốn cô lập từng nền văn hóa và gán cho nó bản sắc. Văn hóa là chuyển hóa và thay đổi hình dạng. Một nền văn hóa không chuyển biến là một nền văn hóa chết.

Điều này có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với những con người xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hơn lúc nào hết, chúng ta phải ý thức cao độ về tính động và tính mở trong đặc điểm của văn hóa.

Ở Chương V, tác giả luận bàn một vấn đề rất hay đó là: Bảo vệ những nguồn nuôi dưỡng một nền văn hóa. Với quan điểm: Một nền văn hóa thường có tính địa phương, nảy sinh trong một phạm vi hẹp, trong một phong cảnh. Nó thường được nảy sinh trong một ngôn ngữ, một môi trường. Điều ưu tiên trong việc bảo vệ nguồn nuôi dưỡng văn hóa là phát huy tính năng động của nó chứ không co cụm giữ thế thủ.

Là một triết gia, bàn về văn hóa với những đặc điểm, bản chất mà với tham vọng muốn tìm hiểu về cái gọi là “khoảng cách văn hóa”, F. Jullien đã có những lý giải khá thú vị: Những khoảng cách ấy đưa văn hóa ra khỏi vết xe truyền thống, đưa tư duy ra khỏi cái thuận tiện quen thuộc của chủ nghĩa giáo điều và khiến đầu óc chấp nhận cuộc phiêu lưu. Sự thi vị của tính mở, tính năng động của văn hóa cũng là chỗ ấy. Đúng hơn, bản chất của khoảng cách văn hóa thuộc về phạm trù lịch sử, mang tính lịch sử.

Triết gia người Pháp này còn có một cụm từ thú vị: “chủ nghĩa tương đối lười biếng”. Dù có thể chưa hiểu hết ý của tiền nhân, song tôi cho rằng: Nếu dễ dãi đọc cuốn sách này và vội đưa ra kết luận về giá trị của cuốn này cũng là đang sa vào chủ nghĩa tương đối lười biếng.

Thêm một kênh để tiếp nhận về giá trị văn hóa cùng với đặc điểm và bản chất của nó; đúng như các học giả đã nói triết gia người Pháp F. Jullien chính là: “một ngôi sao lạ của vòm trời học thuật”. Tiếp thu những điều ấy, có lẽ mỗi người cần có hai khoảng cách: vừa là khoảng cách văn hóa, vừa là khoảng cách lịch sử thì sẽ dễ có tiếng nói đồng cảm. Sách phù hợp với những ai yêu tư duy của triết học, thêm một chút nghiền ngẫm và suy tư!.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hieu-dung-ve-ban-sac-van-hoa-32379.htm