Hiểu đúng về bệnh ngón tay lò xo

Bệnh có tên là ngón tay lò xo vì mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, một số trường hợp ngón tay như bị khóa ở tư thế gấp, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo.

Ngón tay lò xo (ngón tay cò súng) là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo.

Người bệnh thấy đau tại gốc ngón tay (chỗ khớp bàn ngón), có thể sờ thấy hạt xơ, ấn đau. Đau khi gấp hoặc duỗi ngón tay, khó vận động ngón tay. Ngón tay ở tư thế bị khóa gấp vào lòng bàn tay hoặc ở tư thế duỗi. Siêu âm thấy gân và bao gân gấp ngón tay bị dày lên, có dịch quanh bao gân.

Nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lý ngón tay lò xo có thể kể đến như:

Một số nghề nghiệp có nhiều nguy cơ mắc bệnh do sử dụng độ linh hoạt của ngón tay một cách thường xuyên: Nông dân, giáo viên, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công, nhân viên đánh máy... Chứng bệnh ngón tay lò xo còn do hậu quả của một số bệnh: viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, gout... Chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Phân loại mức độ bệnh

Độ I: Đau ở gốc ngón tay, còn di chuyển được.

Độ II: Ngón tay bị giữ lại, gân còn di chuyển được nhưng bị bật hoặc phải dùng sự trợ giúp của tay đối diện

Độ III: Ngón tay bị kẹt ở tư thế cò súng.

Điều trị

Các phương pháp không dùng thuốc: Hạn chế vận động ngón tay bị tổn thương, có thể dùng nẹp ngón tay để cố định, chườm lạnh hoặc chiếu tia hồng ngoại.

Dùng các loại thuốc điều trị nội khoa như: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc ức chế bơm H+, thuốc giãn cơ...

Tiêm corticoid nội khớp: Được áp dụng khi có bác sĩ chuyên khoa và phòng tiêm vô khuẩn.

Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ nếu điều trị nội khoa thất bại thường sau điều trị nội khoa khoảng 3-6 tháng.

Cần tích cực dự phòng bệnh tái phát bằng chế độ lao động, sinh hoạt nhẹ nhàng, hợp lý, kết hợp với dùng thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

BS. Hồng Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-ve-benh-ngon-tay-lo-xo-n188967.html