Hiểu đúng về đợt cao điểm phòng dịch Covid-19 sắp tới tại thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 21-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo cung cấp thông tin chi tiết về những mặt hoạt động của thành phố trong thời gian cao điểm từ ngày 23-8 đến 6-9. Các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn sẽ được siết chặt hơn với phương châm 'xây dựng mỗi xã phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp… là một pháo đài chống dịch Covid-19'.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến chiều 21-8.

Hiểu đúng về đợt cao điểm

Mở đầu cuộc họp báo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, 2 tuần tới không phải “lockdown” toàn thành phố, cũng không phải là tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, vì thẩm quyền ban bố tình trạng này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Đây chỉ là quãng thời gian thành phố siết chặt hơn công tác giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: “Một vài cơ quan báo chí và thông tin trên mạng xã hội nói lực lượng quân đội sẽ là lực lượng chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Thông tin này không đúng. Lực lượng quân đội là quân y tham gia hoạt động tại các cơ sở y tế để điều trị bệnh cho người dân. Lực lượng quân đội tham gia cùng nhiều lực lượng khác trong các Tổ công tác tại địa bàn để chăm sóc sức khỏe người dân”.

Người dân có điều kiện trong "vùng xanh" vẫn được đi chợ 1 tuần/lần.

Thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách từ 0h ngày 23-8 đến ngày 6-9 với phương châm: Nhà với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố, ấp với khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn với phường, xã, thị trấn. Thành lập các Tổ công tác tại phường, xã, thị trấn do Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đứng đầu, cùng tổ viên là đại điện công an, quân đội, viên chức, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng… để kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân; đi chợ thay, phục vụ an sinh xã hội cho người dân.

“Tổ công tác này còn có trách nhiệm đưa lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân; đi chợ giùm những hộ dân có nhu cầu và đáp ứng các yêu cầu cụ thể, hợp pháp, hợp lý khác của các hộ dân”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Cụ thể, tại "vùng xanh" (vùng an toàn) và "vùng vàng" (có 2 hộ dân nhiễm Covid-19 trong 7 ngày qua), những hộ dân có điều kiện, không nhận trợ cấp, sẽ được tự đi chợ 1 lần/tuần. Những hộ dân khó khăn sẽ được Tổ công tác địa phương đưa gói cứu trợ của thành phố đến tận nhà theo tần suất 1 lần/tuần.

Tổ công tác địa bàn sẽ thực hiện việc “đi chợ hộ” cho người dân.

Tại "vùng cam" và "vùng đỏ" (vùng nguy cơ cao), các hộ dân có điều kiện, không cần cứu trợ sẽ tự ra đơn hàng, Tổ công tác địa bàn sẽ đi chợ hộ (1 lần/tuần). Với những hộ khó khăn, Tổ công tác địa phương sẽ chuyển gói cứu trợ đến tận nhà 1 lần/tuần.

“Thành phố đã chuẩn bị 2 triệu gói an sinh và tiếp tục chuẩn bị thêm, đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Sở Công Thương cũng đã công bố 3.000 địa chỉ các điểm bán hàng tại 312 phường, xã, thị trấn để người dân và lực lượng địa phương biết, mua sắm. Tại các địa bàn chưa có cửa hàng, thành phố sẽ đưa xe lưu động đến bán hàng tại địa phương”, ông Phạm Đức Hải nói.

Nói thêm về phương án cung ứng hàng hóa thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định: “Thành phố đã có thể cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Thực tế thời gian qua cho thấy, thị trường không thiếu hàng. Trong đợt giãn cách sắp tới, chỉ điều chỉnh cách thức giao hàng đến người dân. Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương và bộ, ngành khai thác thêm các nguồn hàng để cung ứng đủ cho người dân”.

Các điểm mới trong phòng, chống dịch

Về xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân trong các vùng đỏ (nguy cơ cao) bằng phương pháp xét nghiệm nhanh mẫu gộp 10. Bổ sung các đối tượng được xét nghiệm là nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên các cửa hàng thuốc, công nhân môi trường đô thị, công ty công ích dịch vụ thu gom rác, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên cửa hàng xăng dầu (tần suất xét nghiệm 7 ngày/lần).

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, việc lấy mẫu xét nghiệm do nhân viên y tế địa phương thực hiện hoặc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu; các điểm lấy mẫu thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K", dưới sự giám sát và chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để điểm lấy mẫu thành điểm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Có 400 trạm y tế lưu động tại khắp các phường, xã, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành Y tế thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động tại khu vực có nhiều F0. Mỗi trạm có 1 bác sĩ, 2 y tá điều dưỡng, 4 tình nguyện viên tham gia sơ cứu, điều trị tại nhà cho F0. Có túi thuốc; 3-5 bình ô xy, máy móc chuyên dụng. Các trạm y tế này có nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc, điều trị, sơ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân F0 đến các tuyến trên khi cần thiết, bảo đảm mục tiêu giảm tối đa số ca F0 tử vong. Mỗi điểm quản lý từ 50 đến 100 bệnh nhân F0.

Về quản lý người được ra đường trong thời gian thành phố tăng cường giãn cách phòng dịch từ ngày 23-8 đến 6-9, ngoài những lực lượng được phép hoạt động như công an, quân đội, y tế, phòng, chống dịch, nhân viên vệ sinh môi trường, ngân hàng…, các cơ quan nhà nước chỉ bố trí 10% số lượng nhân viên đi đường. Những người này được cấp giấy đi đường; được phát áo khoác dễ nhận diện, khó làm giả để các lực lượng kiểm soát nhận diện từ xa và cho qua chốt nhanh.

Các Shipper chỉ được giao hàng trong địa bàn từng quận, huyện.

Riêng lực lượng giao hàng (shipper), sẽ ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức, các quận: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh; các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn. Còn tại các quận, huyện khác, shipper được hoạt động trong địa bàn, với trang phục, giấy tờ nhận diện theo quy định.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Phạm Đức Hải nhấn mạnh: “Thành phố bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp; số ca nhiễm và số ca tử vong vẫn tăng cao. Các cấp chính quyền đang nỗ lực để cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các gói cứu trợ tất nhiên chưa đủ theo nhu cầu của từng người dân, từng gia đình, nhưng chúng tôi rất mong được người dân chia sẻ. Chúng ta sẽ cùng “thắt lưng buộc bụng” trong 2 tuần cao điểm tới để khống chế dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới".

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1009600/hieu-dung-ve-dot-cao-diem-phong-dich-covid-19-sap-toi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh