Hiểu đúng về 'hậu Covid'

Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ sự lo lắng về tình trạng 'hậu Covid'.

Bác sĩ tại Phòng khám di chứng Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh THÀNH SƠN)

Bác sĩ tại Phòng khám di chứng Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh THÀNH SƠN)

Anh Hoàng Bách, 50 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội từng hai lần mắc Covid-19 trong vòng hơn một tháng, chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán hai tuần, tôi đã mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày điều trị, sức khỏe ổn định. Gần đây, tôi lại dương tính với SARS-CoV-2. Những tưởng đã tiêm 3 mũi cộng với việc từng bị nhiễm một lần thì các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn, nhưng thực tế không như vậy.

Sau một tuần nhiễm Covid-19, tôi đã hết sốt, giảm ho và cảm nhận được mùi, vị. Ngày thứ 8, tôi làm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả là âm tính. Nhưng đến ngày thứ 9, tôi lại sốt, đầu đau như búa bổ, khó thở và mũi ngạt đặc. Tôi ăn gì cũng nôn và bị tiêu chảy cấp. Nhiệt độ cơ thể lúc thấp nhất là 38 độ và cao nhất là 39,6 độ, chân tay rã rời và nặng như đeo đá. Test nhanh tôi lại dương tính với SARS-CoV-2. Dù cố gắng vận động, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin C, vitamin B nhưng đã qua hai tuần, cơ thể tôi vẫn rất mệt mỏi, không làm được việc gì. Tôi lo lắng, không biết tình trạng này kéo dài bao lâu? Liệu tôi có bị hậu Covid không?

Ba tuần trước, chị Thu Hà, 49 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bị mắc Covid-19. Ngay sau khi biết mình bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, chị Hà đã dùng thuốc kháng virus Molnupiravir, vitamin C. Tuy nhiên, sang ngày thứ 5, chị vẫn bị sốt, ho nhiều, có đờm đặc và thở khó.

Tham khảo bạn bè và tìm kiếm thông tin trên internet, chị Hà đã dùng kháng sinh và thuốc long đờm. Sau 10 ngày điều trị, chị có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng tình trạng ho, mệt mỏi, khó thở, mất ngủ vẫn tiếp diễn. Chị Hà rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.

Rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 có tâm trạng lo lắng giống anh Bách và chị Hà. Tuy nhiên, lại có một số người khác chủ quan cho rằng bệnh Covid-19 hiện nay với biến chủng chủ yếu là Omicron chỉ như cúm mùa, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hiện cả nước ghi nhận khoảng 150 nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Hà Nội là địa phương dẫn đầu về số ca mắc, với hơn 30 nghìn ca/ngày. Khi số ca F0 càng tăng cao, thì số người chuyển nặng và có các triệu chứng Covid-19 kéo dài cũng tăng theo.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS, TS, BS Hoàng Bùi Hải cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng vì không phải người bệnh Covid-19 nào cũng bị “hậu Covid”, thống kê cũng cho thấy tỷ lệ này là thấp, thực tế biểu hiện bệnh ở giai đoạn cấp tính càng nặng thì “hậu Covid” càng nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 10-20% số bệnh nhân Covid-19 có ghi nhận các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi điều trị khỏi.

Để phân biệt thế nào là “hậu Covid”, PGS, TS, BS Hoàng Bùi Hải phân tích: Covid-19 cấp được tính trong vòng một tháng từ lúc khởi phát bệnh, thêm hai tháng theo dõi tiếp gọi là Covid-19 kéo dài. Ngoài thời gian này nếu có các triệu chứng cơ năng, thực tổn, tâm thần không giải thích được bằng nguyên nhân khác được xem là “hậu Covid”. Những người có triệu chứng bất thường sau ba tháng mắc Covid-19 thì cần đi khám bác sĩ, còn nếu sức khỏe bình thường thì không cần kiểm tra.

Một số chuyên gia y tế cũng cho biết, những trường hợp dễ bị các triệu chứng Covid-19 kéo dài là: người nhiễm Covid-19 nặng, người cao tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm chủng, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh... Những trường hợp biểu hiện Covid-19 cấp tính nặng và nhiều biến chứng như: tổn thương phổi nặng phải thở máy, phải hồi sức tích cực nói chung thì các vấn đề “hậu Covid” thường nặng hơn do hàng loạt các biểu hiện có liên quan đến tổn thương các tạng cần có thời gian để hồi phục (thí dụ như: xơ phổi, suy tim sau tổn thương cơ tim, di chứng sau tai biến mạch não, suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường…).

Vì vậy, với những người bệnh dù sau hồi sức tích cực đã âm tính với SARS-CoV-2 vẫn cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ. Khi có các vấn đề bất thường, cần đến bác sĩ kiểm tra, không nên tự chữa hoặc nghe theo người khác mách bảo. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.

THƯ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bandoc/hieu-dung-ve-hau-covid-689808/