Hiểu đúng về khái niệm di sản văn hóa phi vật thể
Xung quanh những tranh luận về việc sử dụng thuật ngữ 'vinh danh', 'ghi danh' hay 'tôn vinh'... đối với di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa- Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS Frank Proschan vừa tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề 'Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể' để làm rõ vấn đề.
Theo TS Frank Proschan- cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO, Cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể- khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam bị hiểu nhầm. Dựa trên Công ước 2003 thì tại Việt Nam hiện này có 3 cách dùng từ sai khái niệm thường gặp gồm “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”, “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, “UNESCO công nhận”. Đặc biệt, khái niệm “UNESCO công nhận” di sản văn hóa đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam trong một thời gian dài, ban đầu là với di sản thế giới. Sự nhầm lẫn này có lẽ đã dẫn tới việc hiểu sai trong việc “công nhận” di sản văn hóa phi vật thể.
Dẫn chứng về những “lỗi sai” này, TS Frank Proschan cho biết, Công ước 2003 đã khẳng định chỉ có cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân liên quan di sản mới có thể “công nhận” di sản của chính họ. Di sản văn hóa phi vật thể không phải là một thứ gì đó bên ngoài, có thể được định nghĩa và xác định giá trị bởi các chuyên gia, quan chức nhà nước, hoặc bởi một quy trình kiểm tra khoa học nào đó. Thay vào đó, chính các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân là những người thực hành một biểu đạt văn hóa nào đó và chỉ họ mới có thể là những người “công nhận” nó là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa phi vật thể của họ. Ở đây, mỗi cộng đồng định nghĩa di sản của chính mình và chính di sản đó lại định nghĩa cộng đồng của nó. Nội dung Công ước 2003 cũng nhắc lại nhiều lần rằng, quá trình công nhận một cái gì đó là di sản văn hóa phi vật thể là quá trình chỉ có thể diễn ra trong các cộng đồng, chứ không thể do người bên ngoài, cho dù là quan chức nhà nước, thực hiện mà không có cộng đồng. Các chuyên gia cũng không có thẩm quyền quyết định thay cho một cộng đồng cái gì “là” hay “nên là” di sản của họ. Cũng chỉ các cộng đồng liên quan mới có thể bảo vệ di sản của chính họ, và muốn công tác bảo vệ được thực hiện hiệu quả thì sự tham gia rộng rãi nhất có thể của họ là thiết yếu... “Còn một cụm từ khác mà UNESCO không bao giờ dùng nhưng lại được sử dụng thường xuyên ở Việt Nam, đó là UNESCO “vinh danh” hay “tôn vinh”. Cách dùng này, với tôi có vẻ như không vi phạm tinh thần của Công ước, mặc dù có thể gây nhầm lẫn. Tôi nghĩ, rõ ràng là mục đích của việc ghi danh không phải là vinh danh/tôn vinh, kể cả khi chúng ta có thể hiểu rằng vinh danh/tôn vinh có thể là một kết quả tự nhiên của việc ghi danh”-TS Frank Proschan bày tỏ.
Có thể nói, những “lỗi” trên trong cách hiểu tại Việt Nam là hoàn toàn có căn cứ và thậm chí còn mang tính hệ thống. Nguyên nhân dẫn tới cách hiểu sai này một phần là từ lỗi dịch sai trong bản tiếng Việt chính thức của Công ước 1972. Đơn cử, theo bản tiếng Anh giải thích rằng, Ủy ban Di sản thế giới sẽ xác định các tiêu chí mà theo đó những di sản “có giá trị nổi bật toàn cầu” có thể được “đưa vào” danh sách Di sản thế giới. Còn với bản tiếng Pháp dùng từ “ghi danh”. Trong khi đó, bản tiếng Việt lại dịch rằng đây là các tiêu chí để “công nhận” di sản trong Danh sách Di sản thế giới. Tương tự, có sự dịch sai trong Điều 31 của Công ước 2003 (bản tiếng Việt). Trong khi bản tiếng Pháp và tiếng Anh đều dùng từ “ghi danh” vào Danh sách đại diện hoặc “đưa vào” một trong số các danh sách thì bản tiếng Việt dịch thành “công nhận” trong Danh sách đại diện. Với bản dịch như vậy, có thể nói quan niệm rằng UNESCO “công nhận” di sản văn hóa nói chung hay di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đã trở nên quá phổ biến ở Việt Nam.
Cũng tại buổi thuyết trình, TS Frank Proschan bày tỏ về cách hiểu sai về khái niệm “danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể” bị hiểu sai lệch thành “danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Những lỗi diễn đạt xuất hiện không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn trong nghiên cứu học thuật, thậm chí cả trong các văn kiện và trang web... “Chúng ta, những người làm việc cùng nhau trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có trách nhiệm rất nghiêm túc là phải tôn trọng những khái niệm, ngôn ngữ trong Công ước để đảm bảo rằng khi chúng ta nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản văn hóa phi vật thể và tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản đó thì phải làm đúng với những gì đã ghi trong Công ước. Việc hiểu và sử dụng đúng thuật ngữ rất quan trọng vì một trong bốn mục đích của Công ước 2003 là nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và việc bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau”-TS Frank Proschan bày tỏ.
Ghi nhận những góp ý của TS Frank Proschan, tại buổi thuyết trình, PGS.TS Bùi Hoài Sơn-Viện trưởng Viện Văn hóa- Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, trước kia UNESCO có danh sách Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, Việt Nam có Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh. Sau này UNESCO nhận thức khác hơn, không còn câu chuyện vinh danh “kiệt tác” nữa, bởi như thế sẽ có sự so sánh hơn hẳn của một di sản văn hóa so với di sản văn hóa khác. Công ước 2003 ra đời chính là để khắc phục tình trạng so sánh này, từ đó “đại diện của nhân loại” thay thế cho danh mục “kiệt tác”. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do khiến cho cộng đồng hiểu chưa đúng về di sản văn hóa phi vật thể. Sự nhầm lẫn này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác trên thế giới.
Viện Văn hóa- Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị nghiên cứu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ VHTTDL, vì vậy cần phải giải quyết sự hiểu lầm này, tiến tới thống nhất về mặt thuật ngữ, tinh thần. “Trên cơ sở chúng ta hiểu đúng về di sản văn hóa phi vật thể thì mới có cách xử lý và giải pháp đúng, cũng là tạo điều kiện rất tốt cho bảo vệ di sản văn hóa trong nước”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.