Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Hành động của chính quyền và người dân
Để cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội ngày một tốt hơn, không chỉ là sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà cần có sự tham gia của cả cộng đồng và các bên liên quan.
Sáng 11/10, Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Nội phối hợp cùng Mạng lưới Không khí Sạch và Trung Tâm Sống và Học Tập vì Môi Trường và Cộng Đồng (Live & Learn) tổ chức buổi Hội thảo về “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.
Hội thảo với mục đích thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí và người dân để hiểu đúng về diễn biến không khí thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để các bên liên quan nắm được nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác cải thiện chất lượng không khí của TP.
Theo số liệu từ nhiều trạm quan trắc tự động trên địa bàn TP, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 đều có xu hướng tăng, vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua cho thấy, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại TP Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, tiếp đó là do hoạt động phát thải của con người.
Nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, GS. TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển.
“Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng..." - ông Cơ nói.
Nói về nguồn thải gây ô nhiễm không khí, GS. TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí tượng và nguồn phát thải của TP, khu vực lân cận. Hà Nội cần kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi PM2.5 để có giải pháp tháo gỡ.
Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park chia sẻ: “Bây giờ chính là lúc cần phải tiến hành hành động quyết liệt để làm sạch không khí vì sức khỏe con người. Là một trong những thành phố đang chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Hà Nội cần tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát chất lượng không khí, rà soát cẩn thận nhằm phát hiện các nguồn phát thải khí ô nhiễm, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm các chất ô nhiễm tại nguồn”.
Cũng tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).
Hiện 10 trạm quan trắc này hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai. Theo lộ trình, đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc. Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như: Xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng. Triển khai xử lý chất thải rắn trong quá trình đóng bãi, TP đầu tư dự án đốt rác phát điện. Hà Nội cũng triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh...