Hiểu lịch sử để biết giá trị của độc lập tự do

Đại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ, thương binh 3/4, Trưởng ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh (CCB) Biệt động Cần Thơ miệt mài chuẩn bị bài giảng mới cho các trường đại học trên địa bàn.

Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.

Chúng tôi gặp Đại tá Võ Tấn Dũng tại Bảo tàng Quân khu 9, đúng hôm ông cùng một số bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu tại đây. Chỉ tay vào khu trưng bày các loại máy bay, thiết giáp của địch, CCB Võ Tấn Dũng tâm sự: “Chính loại máy bay trực thăng do anh hùng Nguyễn Việt Khái bắn rơi ở Cà Mau đã thực hiện nhiều trận oanh tạc ở Lộ Vòng Cung, chút nữa tôi và đồng đội không thể vượt qua. Còn bên cạnh xác máy bay, là những quả đạn chúng thường dùng bắn vào khu vực ta chiếm đóng”.

 Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Để có bài giảng hấp dẫn, CCB Võ Tấn Dũng đã tự sưu tầm, nghiên cứu nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử cùng với sự phối hợp hài hòa với những trận chiến do ông và đồng đội thực hiện. “Tôi chọn cách truyền đạt như một người ông, người chú kể lại câu chuyện mình từng trải. Song song đó, trong giờ giảng hay buổi nói chuyện, tôi sẽ khuấy động bầu không khí ở phòng học, hội trường để học sinh, sinh viên không thấy chán”, CCB Võ Tấn Dũng bày tỏ.

Nghe câu chuyện người CCB này đi học tin học ở tuổi 58 chúng tôi càng nể phục. Đại tá Võ Tấn Dũng kể: “Tôi xem đó là “trận tuyến mới”, bởi không biết sử dụng máy tính thì đi nói chuyện, giảng bài cho thế hệ trẻ khó thành hiện thực. Vậy là sau khi nghỉ hưu, tôi dành hai năm để học. Cung cấp kiến thức là một chuyện, nhưng làm thế nào để các cháu, các em yêu thích lịch sử truyền thống cách mạng mới là điều quan trọng. Do vậy, với vốn kiến thức tin học được trang bị, tôi đã tự mày mò, sưu tầm tư liệu, vẽ bản đồ, viết thuyết minh, tạo hiệu ứng trên trình chiếu Power Point những câu chuyện, trận đánh mình tham gia”.

Đại tá Võ Tấn Dũng soạn giáo án để giảng dạy.

Đại tá Võ Tấn Dũng soạn giáo án để giảng dạy.

Giáo án của CCB Võ Tấn Dũng là những kiến thức từ thực tiễn công tác, từ thực tế cách mạng, cụ thể như: Ký ức về trận đánh 6 ngày đêm giữ căn cứ lõm Vườn Mận của lực lượng Biệt động Cần Thơ; chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968… Nói về Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đôi mắt của vị Đại tá chợt đượm buồn: “Năm đó, đơn vị tôi có 13 đồng chí. Sau lượt tấn công thứ 3 thì hy sinh 11 đồng chí. Chúng tôi đã từng giao hẹn, người còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành tâm nguyện thống nhất và chăm lo cho người nằm xuống. Lời giao hẹn ấy, đến nay chúng tôi luôn ghi nhớ và hiện thực hóa”.

Một lần, nghe CCB Võ Tấn Dũng nói chuyện về các trận đánh, có sinh viên hỏi: “Chú ơi, hồi ấy chú có sợ chết không?”. Ông mỉm cười rồi trả lời: “Gia đình chú mấy đời tham gia cách mạng và hy sinh nên không sợ chết, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ”.

Ở tuổi 75, trải qua bao tháng năm hào hùng lịch sử và nhiều trọng trách được giao, nhưng Đại tá Võ Tấn Dũng vẫn đang tâm đắc với bài giảng, cuộc nói chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ. “Giảng dạy, giải thích để các cháu hiểu được lịch sử, yêu quý lịch sử thì khi đó các cháu mới hiểu được giá trị của tự do, độc lập, mục tiêu cao cả nhất mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn”, CCB Võ Tấn Dũng điềm đạm nói.

Bài, ảnh: PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/hieu-lich-su-de-biet-gia-tri-cua-doc-lap-tu-do-795553