Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định như thế nào?
Bạn đọc Đỗ Duy Long ở xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hỏi: Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2021. Cụ thể như sau:
1. Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.
2. Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.
3. Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
4. Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
* Bạn đọc Nguyễn Văn Nhu ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 22, Luật Kiến trúc 2019, cụ thể:
1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:
a) Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;
b) Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;
c) Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
2. Điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:
a) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc hết thời hạn sử dụng;
b) Bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục;
c) Không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.
3. Cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 điều này.
4. Cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc được miễn điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 điều này.