Hiểu phong tục, tập quán của đồng bào
Về nông thôn vào dịp đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra, hình ảnh dễ gặp là những con đường liên thôn, liên xã rợp sắc cờ hoa. Lúa vụ chiêm đang mùa chín rộ, nơi nơi rộn tiếng ca vui.
Về nông thôn vào dịp đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra, hình ảnh dễ gặp là những con đường liên thôn, liên xã rợp sắc cờ hoa. Lúa vụ chiêm đang mùa chín rộ, nơi nơi rộn tiếng ca vui.
Trên con đường nông thôn mới trải bê-tông phẳng lỳ, ông Kha Văn Ót tỉ mẩn tỉa những vạt hoa do Hội Người cao tuổi phụ trách:
- Người dân tộc Thái đã sống trên đất Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An này nhiều đời, nhưng chưa bao giờ cuộc sống sung túc, vui sướng như ngày nay, tất cả đều nhờ ơn Ðảng. Mấy nhiệm kỳ qua, Ðảng ủy xã lãnh đạo thắng lợi các nhiệm vụ, bà con chung sức, chung lòng, giờ nước sạch, điện lưới đã về trước cửa nhà, tiện nghi sinh hoạt nhà nào cũng có, từ máy giặt cho tới điều hòa... Cuộc sống tiện nghi làm nhiều nét sinh hoạt của người dân cũng đổi khác, phụ nữ không còn tắm suối, đàn ông không còn lên rừng chặt củi… Giữa nhiều nét đổi thay trong sinh hoạt, bản sắc văn hóa của người dân địa phương vẫn được giữ gìn, ví như cử chỉ chào hỏi xã giao của người Thái vùng này: Ðàn ông giơ hai bàn tay song song trước mặt vái vái, đàn bà ngửa hai bàn tay trước bụng nâng nâng. Khách phương xa đến thăm bản, ai cũng thích thú với cách chào hỏi này. Ấy thế mà đã có chuyện hiểu lầm xảy ra, suýt trở thành tiếng xấu cho bà con.
Ông Ót kể tiếp:
- Mươi năm về trước, xã ta còn nghèo lắm, gạo không đủ ăn suốt năm, dân đói mùa giáp hạt. Bữa đó, có đoàn từ thiện dưới xuôi lên thăm và tặng quà cho dân bản. Khi đoàn về, nhiều người ra đường tiễn. Ðoàn khách ghé UBND xã, có người phàn nàn với lãnh đạo xã rằng: Gạo, quà đã chia đủ cho các hộ nghèo theo danh sách của xã cung cấp rồi, vậy mà khi đoàn về bà con vẫn ngửa tay xin. Lúc bấy giờ lãnh đạo xã cũng lấy làm xấu hổ, bèn hỏi lại thật kỹ. Thành viên trong đoàn từ thiện tranh nhau thuật lại hình ảnh mình được chứng kiến, mỗi người một phách. Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy xã sau phút ngờ ngợ bèn diễn tả lại động tác. Ðồng chí hỏi: Có phải các bà làm thế này, còn các ông làm thế này không?
Mọi người reo lên: - Ðúng vậy!
Bí thư Ðảng ủy xã cười sảng khoái:
- Các vị hiểu nhầm rồi, đây là cách người dân vùng này chào khách. Không khác gì cách người dưới xuôi bắt tay, vẫy chào cả.
- Ðồng chí Bí thư là người dân tộc Thái hả cụ? Nghe kể chuyện xong tôi liền hỏi.
- Không phải, thế mới hay chứ. Ðồng chí ấy là người địa phương khác, dân tộc khác, nhưng rất chịu khó tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Cán bộ phải gần dân, phải hiểu phong tục, tập quán của người dân thì mới làm tốt công tác dân vận được chứ. Các đồng chí ở nhiệm kỳ sau này đều thế, ai cũng rất chịu tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương, có người còn nói được cả tiếng Thái nữa.
Ngẫm ra, đất nước ta có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, không ai có thể biết hết, hiểu hết phong tục, tập quán của bà con đồng bào dân tộc khác. Nhưng khi đã nhận trách nhiệm trước Ðảng, trước dân, muốn được dân tin tưởng và ủng hộ thì người cán bộ rất nên học hỏi để hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương.