Hiệu quả ban đầu của vaccine Covid-19 và cuộc chạy đua tích trữ của những nước giàu
Tin tốt về hiệu quả của vaccine Covid-19 mang lại niềm hi vọng cho người dân thế giới nhưng cũng khiến hi vọng được tiêm vaccine của những nước nghèo xa vời hơn trong bối cảnh cuộc chạy đua tích trữ vaccine đang diễn ra quyết liệt.
Bộ Y tế Israel thông báo trong tổng số hơn 715.000 người được tiêm xong hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech, chỉ có 0,04% dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Trong số các bệnh nhân này cũng chỉ có 16 người xuất hiện các triệu chứng nặng và phải nhập viện.
Hiện chưa thể so sánh hiệu quả của việc tiêm vaccine tại nước này với hiệu quả do hãng dược phẩm Pfizer công bố khi thử nghiệm, do thời gian theo dõi chưa đủ dài. Tuy nhiên, nguy cơ mắc Covid-19 được đánh giá giảm đáng kể sau khi tiêm hai liều. Israel là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19. Với kế hoạch đề ra, hiện nước này đang hoàn thành đợt tiêm nhắc lại và sẽ thực hiện xong toàn bộ chiến dịch chỉ trong vài tháng.
Đây được coi là những dấu hiệu tốt lành trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS CoV-2 đang không ngừng lây lan. Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là cần phải đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho người dân các nước, trong khi hầu hết các Tập đoàn dược phẩm đều khó có thể gia tăng lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla bày tỏ hi vọng các cam kết vaccine sẽ được giao đúng hạn:
“Chúng tôi rất lạc quan rằng có thể cung cấp những liều vaccine như đã cam kết. Khi ký hợp đồng với các nước cũng như cho liên minh chia sẻ vaccine COVAX, chúng tôi đã tính đến việc có thực hiện được cam kết hay không. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan và tôi nghĩ rằng đến cuối quý 2, thế giới sẽ có đủ ít nhất vaccine từ Phai-dơ như đã cam kết”, ông Albert Bourla cho hay.
Những trấn an của Pfizer đưa ra trong bối cảnh cuộc cuộc chạy đua tích trữ vaccine đang ngày càng khốc liệt hơn. Những tranh cãi đã nổ ra giữa Anh và Liên minh châu Âu trong tuần qua liên quan đến nguồn cung vaccine, trong khi Ủy ban châu Âu cũng đối mặt với nhiều chỉ trích khi dọa cấm xuất khẩu vaccine. Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển vẫn chưa có vaccine, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn hôm qua thông báo nước này đang đặt mua vaccine cho năm 2022.
“Chúng tôi đang đặt hàng thêm vaccine cho năm 2022, để có sẵn ít nhất một số vaccine dự trữ. Bởi vì không ai biết liệu chúng ta sẽ cần một mũi tiêm nhắc lại, hay một loại vaccine mới, hoặc liệu sẽ có đột biến, nghĩa là chúng ta cần điều chỉnh vaccine. Với năng lực sản xuất hiện đang được mở rộng, chúng tôi sẽ đặt hàng vaccine như một biện pháp phòng ngừa".
Trước việc các quốc gia phát triển đang tích trữ vaccine, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trong bối cảnh dịch hoành hành mạnh như hiện nay, các nước giàu cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ về tích trữ dược phẩm và vaccine, cho rằng hành động như vậy sẽ chỉ khiến đại dịch kéo dài.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Các quốc gia phát triển đang tiêm vaccine cho công dân của họ trong khi những quốc gia kém phát triển đang theo dõi và chờ đợi. Điều này không chỉ khiến những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới gặp rủi ro mà còn là tầm nhìn ngắn hạn và cuối cùng là thất bại. Chủ nghĩa dân tộc tiêm vaccine sẽ chỉ kéo dài đại dịch”.
WHO hiện đang dẫn đầu Cơ chế COVAX, được thiết lập với mục tiêu đặt mua vaccine và đảm bảo số hàng này được phân phối công bằng ra khắp thế giới. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ bắt đầu phân phối vaccine trong vài tuần tới./.